,

Thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu để giải quyết vấn đề an toàn sinh học

Ngày 7/9, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Cơ quan Dịch vụ và Tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học (ISAAA) và Chương trình An toàn sinh học (Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế) tổ chức Hội thảo khu vực châu Á chuẩn bị cho cuộc họp các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học lần thứ 5 (MOP5), sẽ được tổ chức vào tháng 10/2010 tại Nhật Bản.

Hội thảo diễn ra với sự tham gia của 11 quốc gia gồm Philippin, Ấn Độ, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Malaxia, Thái Lan, Trung quốc, Sri lanka và Việt Nam cùng với nhiều chuyên gia về an toàn sinh học từ ISAAA, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, và đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trong nước và quốc tế.

Tại Hội thảo các đại biểu tập trung vào các nội dung chính như: Kế hoạch chiến lược và Chương trình của cuộc họp các bên tham gia Nghị định thư; Lưu trữ, vận chuyển, đóng gói và nhận dạng sinh vật biến đổi gen; Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong vận chuyển quá cảnh các sinh vật biến đổi gen; Nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, công nghệ sinh học là ngành công nghệ chính của thế kỉ 21 với các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của xã hội như bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp, chế biến thuốc và dược phẩm,... nhằm cải thiện cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người  về lương thực và dịch vụ y tế. Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ sinh học cần phải gắn liền với các biện pháp an toàn để ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với môi trường và con người.

Việt Nam là thành viên của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học từ năm 2004 và ngành công nghệ sinh học luôn là một trong những ngành công nghiệp được ưu tiên hàng đầu trong quá trình CNH – HĐH đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nhận rõ các nguy cơ và rủi ro do ngành công nghệ này gây ra. Do vậy, Việt Nam cho rằng, vấn đề an toàn sinh học là vấn đề quan trọng và thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu để giải quyết vấn đề trên.

Nghị định thư Cartagena (11/9/2003) về an toàn sinh học nhằm quản lý hoạt động vận chuyển xuyên biên giới các sinh vật biến đổi gen. Đồng thời, thể hiện sự nỗ lực quốc tế đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những rủi ro do ngành công nghiệp sinh học hiện đại gây ra.

Monre

Tin cùng chuyên mục