,

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam: Hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho các hoạt động về CDM và biến đổi khí hậu

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (BVMTVN) Nguyễn Nam Phương đưa ra tại Hội thảo “Giới thiệu về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và cơ chế hỗ trợ tài chính Dự án theo Cơ chế phát triển sạch” do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Bộ TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức trong 2 ngày 10 - 11/6/2010.

Tham dự có Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận Hồ Văn Hùng, đại diện Sở Công thương Ninh Thuận, Bình Thuận, Hiệp hội điện gió Bình Thuận và đại diện các tổ chức quốc tế…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ BVMTVN Nguyễn Nam Phương cho biết: “Hội thảo nhằm giới thiệu về Quỹ BVMTVN, đồng thời là diễn đàn sâu rộng để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng bức tranh hoàn thiện về dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM)”.

 Quỹ BVMTVN tập trung ưu tiên hỗ trợ trên các lĩnh vực: Xử lý chất thải công nghiệp tại các khu công nghiệp; Xử lý ô nhiễm môi trường tại các đơn vị thuộc Quyết định 64; Xử lý nước thải của các nhà máy, xí nghiệp; Xử lý ô nhiễm làng nghề; Xử lý chất thải sinh hoạt; Xử lý khói bụi xi măng và các loại bụi khác; Triển khai các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; Sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường; Xã hội hóa thu gom rác thải.

Hiện nay, Quỹ BVMTVN đang cho các dự án bảo vệ môi trường vay với mức lãi suất 5,4%/năm, thời hạn vay từ 5 đến 7 năm với mức vay không quá 70% trên tổng mức đầu tư. Quỹ đã cho vay hơn 400 tỷ đồng đối với 97 dự án bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Quỹ đã tài trợ cho 99 dự án với tổng số tiền hơn 17,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong lĩnh vực CDM Quỹ đã thu được hơn 927 nghìn Euro tổng số tiền lệ phí Chứng chỉ giảm phát khí nhà kính (CERs), đăng ký CERs cho 2 dự án và đã hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho các hoạt động về CDM và biến đổi khí hậu.

Cơ chế phát triển sạch (CDM) là một trong 3 cơ chế của Nghị định thư Kyoto. CDM cho phép các quốc gia công nghiệp hóa thực hiện dự án giảm phát thải khí nhà kính hoặc hạn chế, hấp thu khí nhà kính bởi các bể hấp thụ Carbon tại các quốc gia đang phát triển để thu được các Chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs). Các CERs có thể mua bán trên thị trường carbon và được các quốc gia sử dụng để đáp ứng chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính định lượng. Cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án CDM của Quỹ BVMTVN bao gồm: Hỗ trợ tài chính xây dựng văn kiện thiết kế dự án CDM; Trợ giá đối với sản phẩm của dự án CDM.  

Theo đó, đối với mức hỗ trợ tài chính xây dựng văn kiện thiết kế dự án CDM với mức hỗ trợ tối đa không quá 30% chi phí thực tế xây dựng văn kiện thiết kế dự án, nguồn hỗ trợ tài chính xây dựng văn kiện thiết kế dự án CDM được lấy từ nguồn lệ phí bán CERS. Đối tượng trợ giá đối với sản phẩm dự án CDM: Điện được sản xuất từ năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt và thủy triều; Điện được sản xuất từ thu hồi khí CH4 từ các bãi chôn lấp rác thải từ các hầm khai thác than. Ngoài ra, điều kiện trợ giá đối với sản phẩm dự án CDM: Phương án giá sản phẩm được Quỹ thẩm định, có kết quả chi phí sản xuất thực tế của sản phẩm lớn hơn giá bán theo hợp đồng; Hợp đồng bán sản phẩm đã được ký kết và có hiệu lực, trong hợp đồng thể hiện rõ giá bán của sản phẩm; Dự án được Bộ TN&MT cấp Thư xác nhận hoặc Thư phê duyệt…

Cho đến nay, Cơ quan thẩm quyền quốc gia Việt Nam (DNA) về Cơ chế phát triển sạch đã cấp 116 thư phê duyệt (LoA) dự án CDM. Việt Nam đã có 27 dự án được Ban chấp hành quốc tế về CMD (EB) đăng ký là dự án CMD và đã được cấp CERs cho 20 dự án.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận Hồ Văn Hùng cho rằng, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước có tiềm năng về thực hiện CDM. Nhưng trên thực tế, sau gần 8 năm, trong số các dự án được đăng ký tại Ban điều hành CDM quốc tế của Liên Hợp quốc mới có một số CDM được phê chuẩn và đi vào thực hiện, tuy nhiên số lượng rất ít nên giá trị kinh tế thu được cho toàn xã hội từ các dự án CDM chưa cao.

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu cũng được nghe các tham luận của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Chủ đầu tư dự án điện gió Bình Thuận, Công ty Tài chính Dầu khí… liên quan đến CDM. Thông qua các tham luận đó, các doanh nghiệp đầu tư nhìn nhận rõ nét hơn về CDM trong việc tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ, cụ thể là cơ chế tài chính đối với các dự án CDM của Quỹ BVMTVN.

Monre

Tin cùng chuyên mục