,

Phiên họp lần thứ 2 Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Sáng 29/1/2010 tại trụ sở UBND TP.HCM, Phiên họp lần thứ 2 Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) đã diễn ra dưới sự điều khiển của Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên; Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai; Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai. Tham dự phiên họp còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan; lãnh đạo UBND và Sở TN&MT 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên lưu vực sông Đồng Nai.

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông lớn của Việt Nam, nguồn nước của nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có tính sống còn trong phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội cho một trong những vùng kinh tế trọng điểm hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, đi liền với tốc độ tăng trưởng về kinh tế, tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ở nhiều nơi trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ngày càng gia tăng và có nơi lên đến mức báo động. Điều đó cho thấy, ngay bây giờ, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông nói chung và lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói riêng phải được các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong lưu vực đặt thành nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách.

Gần đây, dư luận xã hội rất bức xúc trước các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, điển hình là vụ Công ty Vedan và một số doanh nghiệp gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường sinh thái sông Thị Vải. Sự kiện đó đã gióng lên hồi chuông báo động tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ngày càng nghiêm trọng ở hầu hết các lưu vực sông trên cả nước. Đây cũng chính là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của các vị Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri trong cả nước.

Ủy ban sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 157/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2008 nhằm mục tiêu thống nhất việc tổ chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi Đề án sông Đồng Nai, từ đó rút ra những kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ môi trường, chia sẻ kinh nghiệm thu được từ các lưu vực sông khác trong nước. Ủy ban sông Đồng Nai sẽ còn đối diện với nhiều thách thức trong quá trình triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường trên lưu vực. Do đó, từng thành viên của Ủy ban là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương cần có quyết tâm cao và nỗ lực liên kết chặt chẽ với nhau để ngăn ngừa nạn ô nhiễm lưu vực sông đang ngày một gia tăng.

Phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 2 Ủy ban sông Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên đề nghị Hội nghị lần này tập trung vào những vấn đề chính như: Một là, tổng kết hoạt động năm 2009 của Ủy ban sông Đồng Nai, đánh giá tình hình triển khai Đề án sông Đồng Nai được phê duyệt theo Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung đánh giá tiến độ triển khai các chương trình, dự án thuộc Đề án sông Đồng Nai. Hai là, thảo luận về kế hoạch và các giải pháp thực hiện Đề án sông Đồng Nai trong năm 2010 và giai đoạn 2011-2015. Ba là, bàn về cơ chế tài chính trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án sông Đồng Nai.  Bốn là, thảo luận về các khó khăn, tồn tại sau 2 năm triển khai Đề án và tìm giải pháp tháo gỡ. Cuối cùng là phải đưa ra các kiến nghị nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: Thực tiễn ô nhiễm môi trường lưu vực sông đang tiếp diễn đòi hỏi cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, tạo ra được chuyển biến về tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị cũng như nhận thức của cộng đồng nhân dân. Chúng ta có thể thấy rõ bài học trong vụ việc Vedan và một số doanh  nghiệp khác gây ô nhiễm sông Thị Vải. Nếu không có các biện pháp triển khai cụ thể và có hiệu quả, hậu quả về môi trường, kinh tế, xã hội sẽ rất to lớn. Hơn bao giờ hết, Ủy ban sông Đồng Nai và các cơ quan quản lý Trung ương cũng như địa phương cần khẳng định rõ vai trò của mình, đề cao quyết tâm xử lý và ngăn ngừa nạn ô nhiễm lưu vực sông đang ngày một gia tăng. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên mong rằng Hội nghị sẽ tạo ra sự đồng thuận cao để chỉ đạo thực hiện thành công Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020, hoàn thành tốt những trọng trách mà Thủ tướng Chính phủ đã giao phó, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Phát biểu tại phiên họp, phần lớn các đại biểu đều cho rằng cần sớm phải đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên lư vực sông Đồng Nai; các Bộ, ngành, địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai phải có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục vận động người dân và doanh nghiệp bảo vệ môi trường sông Đồng Nai...Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai cho rằng thời gian tới, vấn đề bảo vệ môi trường sông Đồng Nai cần phải được nghiên cứu, xem xét đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền 12 tỉnh, thành phố. Các địa phương phải tập trung chỉ đạo, điều hành, giáo dục cho doanh nghiệp biết bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình thông qua các chương trình, hành động cụ thể bảo vệ môi trường sông Đồng Nai.

Tổng kết Phiên họp lần thứ 2, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai khẳng định: Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Phiên họp lần thứ hai Ủy ban sông Đồng Nai đã tập trung đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Đề án sông Đồng Nai đến năm 2009, thảo luận về kế hoạch triển khai Đề án sông Đồng Nai trong năm 2010 và giai đoạn 2011-2015, về cơ chế tài chính triển khai các chương trình, dự án thuộc Đề án sông Đồng Nai và các vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để đảm bảo triển khai thực hiện thắng lợi Đề án sông Đồng Nai cũng như các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông nói chung.

Theo nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Ủy ban sông Đồng Nai được thành lập theo Quyết định số 157/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, Ủy ban chính thức ra mắt và mới đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2009. Từ khi đi vào hoạt động, tuy còn nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan nhưng các thành viên của Ủy ban sông Đồng Nai đã phát huy tinh thần chủ động, có những đóng góp tích cực đối với ngành, địa phương mình phụ trách trong việc triển khai các nội dung của Đề án sông Đồng Nai.

 Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được phê duyệt từ cuối năm 2007. Qua 2 năm triển khai thực hiện, Đề án sông Đồng Nai đã thu được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án sông Đồng Nai còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Ngoài một số nguyên nhân về cơ chế chính sách (nhất là về cơ chế tài chính), nguồn lực đầu tư của các địa phương còn hạn chế còn có nguyên nhân về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng và hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các Bộ, ngành và các địa phương trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bộ TN&MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Đề án sông Đồng Nai, trong đó có nêu một số khó khăn và các kiến nghị cụ thể với Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Đề án. Thứ trưởng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể hơn về nguồn kinh phí triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông (nếu có thể bố trí nguồn kinh phí riêng từ ngân sách Trung ương cho các nhiệm vụ cấp bách thuộc Đề án sông Đồng Nai), gồm kinh phí lập, thẩm định và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ (gồm cả các dự án đầu tư phát triển) làm cơ sở cho UBND các tỉnh, thành phố bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án sông Đồng Nai trong dự toán chi ngân sách hàng năm của địa phương.

Về kế hoạch hoạt động của Ủy ban sông Đồng Nai trong năm 2010, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ kiện toàn tổ chức và hoạt động của Văn phòng Ủy ban sông Đồng Nai trong Quý I năm 2010; thành lập Ban chỉ đạo và bộ phận giúp việc tại TP.HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An. Thứ trưởng đề nghị sau Phiên họp này, mỗi thành viên Ủy ban sông Đồng Nai trên cương vị của mình tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, có những đóng góp tích cực bằng những hành động cụ thể, góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt đối với ngành, địa phương mình phụ trách, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phiên họp lần thứ 3 Ủy ban sông Đồng Nai dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6/2010 tại tỉnh Đồng Nai.

Monre

Tin cùng chuyên mục