,

Một nông dân biến rác thải thành “tiền”

Một tháng cơ sở tái chế rác thải rắn của ông Đỗ Văn Sắc (thôn Hà My Tây, xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) tiêu thụ hết gần 40 tấn rác thải rắn các loại và xuất ra cũng khoảng 30 tấn hạt nhựa cho thị trường sản xuất đồ nhựa. Cơ sở đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 người lao động địa phương với mức lương từ 1,8 triệu đồng đến 2,3 triệu đồng/tháng.

Là mô hình tái chế rác thải rắn đầu tiên tại Quảng Nam, hơn 5 năm đi vào hoạt động cơ sở sản xuất của ông Đỗ Văn Sắc (thôn Hà My Tây, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định và giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người lao động địa phương, quan trọng hơn góp phần giải quyết vấn đề môi trường tại địa phương…

Người tái chế rác thải để bảo vệ môi trường!

Sau 3 năm ông Đỗ Văn Sắc đi xuất khẩu lao động tại Trung Quốc với mong muốn là học hỏi được kiến thức làm ăn kinh tế từ một đất nước vốn giàu truyền thống thương mại, lại đang được thế giới biết đến như là đất nước có những bước chuyển mình đi lên thần kỳ về phát triển kinh tế.

Năm 2004 ông Sắc về quê quyết định bắt tay vào ngành tái chế rác thải rắn, mà theo ông lĩnh vực này sẽ trở nên "hưng thịnh" cùng với đà phát triển của kinh tế - đời sống xã hội của đất nước.

Chưa có kinh nghiệm thực tiễn tại quê nhà, ông Sắc tiếp tục đi học nghề tái chế rác thải rắn tại làng công nghiệp Như Quỳnh (thị xã Hưng Yên, Hưng Yên). Được sự chỉ bảo tận tình của những người đi trước, ba tháng sau ông Sắc đã thạo nghề, có thể tự đứng ra mở cơ sở riêng. Để chuẩn bị mở cơ sở sản xuất tái chế rác thải rắn của mình, bên cạnh gom góp vốn, ông Sắc cũng đã đi khắp nơi như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… để chọn địa điểm mở cơ sở.

Và rồi như cái duyên đưa đẩy ông Sắc đã chọn mảnh đất xứ Quảng để làm điểm dừng chân mở cơ sở tái chế rác thải rắn Sơn Trang như bây giờ. Là một người gốc Hà Nội, ông Sắc chọn Quảng Nam để lập thân lập nghiệp không phải là sự "ngẫu hứng", ông Sắc có cái lý do riêng của mình.

Theo ông Sắc, yêu cầu đầu tiên của hoạt động tái chế rác thải rắn này là phải có đủ nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo việc sản xuất thông suốt; thứ nữa là có sự liên kết thị trường giải quyết đầu ra cho sản phẩm. "Các yếu tố đó Quảng Nam đều đáp ứng cả, bởi Quảng Nam đang trên đà phát triển, mức sống người dân ngày càng nâng cao; các khu công nghiệp xây dựng ngày một nhiều đây là những nguồn cung cấp nguyên liệu tái chế rất ổn định, và cả yếu tố hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, phát triển và bổ trợ nhau trong công tác bảo vệ môi trường. Quảng Nam lại gần với thành phố Đà Nẵng phát triển năng động với nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa…", ông Sắc tâm sự.

Từ nguồn vốn 300 triệu đồng, máy móc Trung Quốc cũ kỹ, lạc hậu với 10 công nhân, đến nay cơ sở của ông Sắc đã mở rộng quy mô lên gần 1.500m2, vốn đầu tư trên một tỷ đồng với dây chuyền máy móc mới, hoạt động khép kín đến 90% quy trình hoạt động.

Nguyên liệu bao gồm các loại rác thải rắn như túi nilon, bọc nilon, vỏ bao xi măng... và các phế phẩm từ nilon, từ đây các nguyên liệu sẽ được làm sạch bằng máy đánh, sau đó chuyển qua máy phay băm nhỏ rồi tiếp tục đưa vào máy nung nóng chảy ở nhiệt độ cao thành hỗn hợp nước, hỗn hợp này sẽ được đưa vào máy lọc để lọc bỏ cát sạn, các tạp chất khác sau đó hỗn hợp được đưa vào máy kéo sợi, kéo cắt ra thành những hạt nhựa quy cách, đóng bao xuất cho các nơi sản xuất nhựa.

Sự thành công từ tái chế rác thải

Tính ra một tháng cơ sở tái chế rác thải rắn của ông Sắc đã tiêu thụ hết gần 40 tấn rác thải rắn các loại và xuất ra cũng khoảng 30 tấn hạt nhựa cho thị trường sản xuất đồ nhựa. Cơ sở đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 người lao động địa phương với mức lương từ 1,8 triệu đồng đến 2,3 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Văn Khuê - Chủ tịch UBND xã Điện Dương cho biết: "Đây là mô hình hoạt động rất thiết thực, bên cạnh tham gia giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, mô hình tái chế rác thải này cũng đã giải quyết vấn đề nan giải về rác thải rắn tại địa phương".

Trước đà phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch của Quảng Nam đặc biệt sự phát triển của các khu kinh tế mở, khu, cụm công nghiệp và là khu vực vệ tinh tiếp giáp với thành phố Đà Nẵng và Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Ngãi, song song với bài toán phát triển, vấn đề đặt ra ở đây là bảo vệ môi trường, qua đó mô hình tái chế rác thải rắn đầu tiên tại Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam của một Doanh nghiệp tư nhân cũng xứng đáng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan hữu quan tại địa phương và những người làm công tác bảo vệ môi trường.

Monre

Tin cùng chuyên mục