,

Hiểm họa từ cây mai dương

Từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới. Cây mai dương xâm nhập vào nước ta từ năm 1979, đến nay, đã xâm lấn hàng vạn ha đất tại 45 tỉnh, thành phố.

Sát thủ thầm lặng

Cây mai dương có tốc độ phát triển chóng mặt tại các vùng đất ngập nước, đồng bằng châu thổ, ven hồ, dọc kênh mương, đất bỏ hoang miền núi, ven rừng tự nhiên và cả khu dân cư...

Tại khu vực 12 tỉnh Tây Nam Bộ, cây mai dương phát triển với tốc độ chóng mặt. Điển hình nhất là tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), từ năm 1984 - 1985 đến 2001, cây mai dương đã xâm chiếm 1.845 ha đất, tương đương 22,7% tổng diện tích của Vườn. Sau rất nhiều cố gắng tiêu diệt, hiện cây mai dương vẫn còn chiếm giữ 1.600 ha.

Cây mai dương đang là "sát thủ" thầm lặng tại khu vực Đông Nam Bộ. Điển hình nhất là Đồng Nai, loại cây này đã xâm lấn các vùng đất khu vực Bàu Sấu, Bàu Chim, Bàu Cá Vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn Thiên nhiên Vĩnh Cửu, dọc sông Đồng Nai, sông La Ngà (7000 ha), Hồ Trị An (2.000 ha), hồ Dầu Tiếng. Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), đất ngập nước ven đập Đa Nhim, hồ Biển Lạc (Bình Thuận) bị cây mai dương xâm hại. Thậm chí, cây mai dương còn xâm lấn cả đất của 11 quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh.

Cây Mai dương còn xâm lấn hàng ngàn ha của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.

Tại Bắc Trung bộ, cây mai dương tiến công vào 9 huyện miền núi phía Tây Nghệ An, bao chiếm đất của Vườn quốc gia Pù Mát, khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An; xâm lấn đồng ruộng huyện Vạn Ninh (Quảng Bình); lan rộng ra các huyện Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền, TP. Huế. Riêng Quảng trị cây mai dương phát triển từ 1.015 ha năm 2007, dự báo tăng  8.000 ha vào năm 2010.

Một nửa tỉnh khu vực miền Bắc có mặt cây mai dương, vùng có mật độ dày đặc nhất chính là vùng Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Khoảng 2.000 hòn đảo, 99 lạch nước lớn chảy vào khu vực Hồ Thác Bà đã bị cây mai dương xâm lấn...

Bất lực trong cuộc chiến đẩy lùi cây mai dương

Cho đến nay, nhiều biện pháp triệt hạ cây mai dương đã được tiến hành. Đơn giản nhất là chặt, đốt, nhổ cây con, nhưng cả hai biện pháp này đều phản tác dụng, làm kích thích sự sinh trưởng của cây mai dương lớn hơn. Một số loại thuốc trừ cỏ hóa học (Roudup 480SC, Mentsulfuron Methyl, Glyphosate) đã được sử dụng tại Vườn quốc gia có khả năng diệt được cây mai dương, làm rụng lá, nhưng không có khả năng diệt trừ rễ, nên cây mai dương vẫn tái sinh trở lại dễ dàng. Người ta cũng thử tiến hành biện pháp trồng cây che phủ nơi đất trống hạn chế sự xâm lấn của cây mai dương. Các loài cỏ hòa thảo, cỏ lác, cỏ lá rộng có khả năng cạnh tranh, hạn chế sự phát triển cây mai dương (cây lúa, lạc, khoai lang cũng là những cây trồng có khả năng cạnh tranh với mai dương).

Tại Hội thảo Bảo tồn ĐDSH lần thứ 2, các chuyên gia đã đề xuất 6 chương trình hành động kiểm soát sự lan rộng của cây mai dương: Nâng cao nhận thức xã hội; tăng cường năng lực quản lý; chia sẻ thông tin phối hợp nghiên cứu tầm quốc gia và khu vực; vận động các Chính phủ hợp tác phát triển các chính sách quản lý kiểm soát chung của khu vực và từng quốc gia và huy động nguồn lực, vận động tài chính.

Monre

Tin cùng chuyên mục