Nguồn gen quý giá đang bị đe dọa
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (2002-2005), trên các vùng núi gắn liền với dãy Trường Sơn của các tỉnh Đắc Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum có từ 751 tới 841 loài cây thuốc. Gần đây Hội Đông y huyện MĐrắc (Đắc Lắk) phát hiện tại vùng núi các xã Ea MĐoan, Ea Mlay, Krông Á và Ea Trang có nhiều loại cây thuốc phân bố khá tập trung như Thạch xương bồ, Thổ phục Linh, Kim Ngân, Hoàng đằng, Cốt tái bổ, Củ bình vôi, Cẩu tích, Thiên niên kiện. Ở khu vực Chư Yang Sin đã phát hiện được một số loài cây thuốc như Kê Huyết đằng, Ngũ gia bì chân chim, Sa nhân, Ngũ vị tử Ngọc Linh…
Điều đáng lo ngại là nhiều loài cây thuốc đang bị khai thác cạn kiệt. Điển hình nhất là cây Vàng đắng, trong thân và dễ cây chứa các alcaloid- chủ yếu là berberim 1,5-3% dùng sản xuất viên Berberin cholorid trị bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ một số bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và xuất khẩu). Loại cây này mọc nhiều ở các tỉnh Thừa Thiên Huế và Tây Nguyên. Sau năm 1975 vẫn còn trữ lượng khá ở vùng núi Trà My (Quảng Nam) và dọc đường Đông Trường Sơn, nhưng nay đã cạn kiệt không còn khai thác được nữa.
Hoặc như cây Sâm Ngọc Linh, một loài cây thuốc nổi tiếng, đặc hữu hẹp của nước ta được phát hiện đầu tiên vào năm 1973 tại núi Ngọc Linh, vốn là cây thuốc được người Sê Đăng gọi là "cây thuốc giấu" chỉ những người già mới biết dùng chữa bệnh khi leo núi dài ngày. Nhưng từ khi được làm rõ giá trị loài sâm này đã bị khai thác ồ ạt, kiểu tận thu, dẫn đến cạn kiệt nhanh chóng. Gần đây, loài cây này được phát hiện tại núi Ngọc Lum Heo huyện Phước Sơn-Quảng Nam…
Liệu cây thuốc Trường Sơn có trở thành cây xóa đói giảm nghèo?
Với nhiều hoạt chất qúy hơn Nhân sâm Triều Tiên, Sâm Nhật, Sâm Mỹ, giá mỗi cân Sâm Ngọc Linh hiện lên tới 40-50 triệu đồng. Nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư kinh phí cho một số dự án bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Sâm, nhằm mở rộng diện tích trồng trên qui mô lớn. Nhiều chế phẩm như Viên ngậm Sâm VN, Vinapana viên, Sâm quy dưỡng lực …đã có mặt trên thị trường.
Để "cứu" các loài cây thuốc bản địa đồng bào các dân tộc sử dụng lâu đời đang bị mai một, Viện Dược liệu đã triển khai Dự án " Bảo tồn cây thuốc cổ truyền". Nằm trong khuôn khổ Dự án, Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã đã tiến hành kiểm kê tài nguyên cây thuốc, thu thập các thông tin kiến thức cây thuốc bản địa của đồng bào Ka Tu, Vân Kiều, Mường; tiến hành bảo tồn, xây dựng vườn sưu tập 100 loài cây thuốc ở Vườn Quốc gia, hỗ trợ 3 hộ gia định ở thôn Dổi, thôn 4 xã Thượng Lộ, Thượng Nhật (huyện Nam Đông) trồng sưu tập được 83 loài cây thuốc; đưa 3 bài thuốc đầu tiên của người Ka Tu là nghệ đen, sâm bồn bồn, Ca nhăng+ Pờn át bán cho khách tham quan du lịch.
Sau hơn 10 năm điều tra, khảo sát, Vườn đã xác định được 625 loài, 396 chi của 139 họ thuộc 4 ngành cây thuốc; trong đó có 67 loài cây thuốc chưa thấy có tên trong từ điển cây thuốc VN. Và trong số 9 nhóm dạng cây, nhóm cây thân cỏ, địa lan có 31 % loài được sử dụng làm thuốc; tỷ lệ này ở nhóm cây bụi là 20,6% loài và nhóm cây thân giả chỉ có 0,32%. Đáng quý là có 274 loài cây thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm của cộng đồng dân tộc thiểu số (người Ka Tu 228 loài); với nhiều loại cây cỏ được sử dụng chữa các bệnh hen suyễn, đau gan, ho lao, đau khớp, phong thấp, đau thận…
Đặc biệt, trong số 420 loài nấm đã được phát hiện tại VQG Bạch Mã, xác định 78 loài nấm dược liệu, nổi tiếng nhất là nấm Linh chi đang được nuôi cấy bảo tồn nguồn gen
Nếu việc khai thác cây dược liệu hoang dã được tiến hành theo xu hướng bảo tồn, kết hợp với việc tổ chức trồng các loại dược liệu này trên các vùng đất còn hoang hóa rộng lớn của dãy Trường Sơn, không chỉ đem lại nguồn thuốc chữa bệnh nội địa có giá trị mà còn đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân bản địa và ngành dược nước nhà.