,

Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất: Tôn vinh những cây lành trái ngọt

Sáng 26/3 tại Hà Nội, UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức họp báo công bố Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất sẽ diễn ra tại Tiền Giang từ 19 đến 24/4 tới. Ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng Ban Tổ chức Festival cho biết đây là một sự kiện kinh tế - văn hóa – xã hội – du lịch nhằm quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam, là thông điệp gửi đến bạn bè thế giới về một Việt Nam thanh bình, cây lành – trái ngọt, đồng thời là sự kiện hướng tới chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội…

* “Tiền Giang mở hội – Sông hóa Rồng, cho cây lành trái ngọt”

Khẩu hiệu quảng bá cho Festival này đã cho thấy nhiều kỳ vọng của Ban Tổ chức. Theo ông Trần Thế Ngọc, Festival Trái cây Việt Nam lần này bao gồm một chuỗi các hoạt động liên hoàn, bổ trợ qua lại trong một chương trình tổng thể nhằm chuyển tải đầy đủ các nội dung đến với khách tham quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Sở dĩ Festival được tổ chức vào giữa tháng 4 này bởi đây là thời vụ của nhiều loại hoa trái trên khắp cả nước. Sẽ có 700 gian hàng dành cho các doanh nghiệp, nhà vườn trưng bày giới thiệu sản phẩm trái cây từ Bắc vào Nam, triển lãm các thành tựu về sản xuất nông nghiệp, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp… “Đây là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, tăng thị phần, thị trường; các địa phương có dịp giới thiệu sản phẩm, thế mạnh, tiềm năng cần kêu gọi hợp tác đầu tư, xây dựng chợ đầu mối, tìm đầu ra cho nông sản hàng hóa, nhất là hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trái cây trên thương trường trong và ngoài nước”, ông Trần Thế Ngọc nhấn mạnh.

Hơn thế nữa, người nông dân có thể tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các sáng kiến mới ứng dụng trong sản xuất, các nhà chuyên môn thông qua điểm trình diễn để chuyển giao công nghệ, các giống đặc sản, các thiết bị, vật tư nông nghiệp. Tại đây, còn diễn ra những buổi tọa đàm, hỏi đáp giữa các nhà khoa học và bà con nông dân…

Trong khuôn khổ Festival sẽ diễn ra 3 cuộc hội thảo lớn với các chủ để “Trái cây Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”, “Vườn cây ăn trái - Gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn”, “Liên kết 4 nhà - Giải pháp cơ bản nâng cao giá trị trái cây Việt Nam”.

Với những lễ hội, những hoạt động văn hóa phong phú, đặc sắc, trong khuôn khổ sự kiện này, Festival thực sự trở thành ngày hội của người dân Tiền Giang và vùng miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long. Ban Tổ chức sẽ tái hiện lễ hội chợ nổi Cái Bè trên sông Tiền. Du khách có thể thưởng ngoạn trên sông và tham gia vào chợ với ghe thuyền đi lại như mắc cửi. Khu vực buôn bán trái cây nằm ở vàm chợ nổi, dọc theo cù lao Tân Long, dài tới cả cây số. Lễ hội xoài cát Hòa Lộc với các chợ trái cây, hội chợ hàng Việt, diễu hành xe hoa… Các lễ hội đường phố thực sự là một điểm nhấn của Festival này.

* Quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có nhiều loại trái cây với chủng loại đa dạng, phong phú và chất lượng cao. Hiện trái cây Việt Nam đã có mặt trên 50 nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước trong năm qua mới đạt hơn 300.000 USD, chưa xứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Festival cho rằng, cây ăn trái của chúng ta phong phú, nhiều loại rất ngon, bốn mùa đều có. Tuy nhiên do diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên chưa thể hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa lớn. Chính từ quy mô nhỏ, dạng kinh tế hộ nên sản lượng lúc thừa lúc thiếu, chất lượng không đồng đều khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn. Đặc biệt là khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến… còn rất hạn chế.

Bởi thế, mong muốn của Festival lần này là quy tụ được nhiều ngành chức năng, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu… cùng nhau tìm giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh và tìm hướng đi mới cho trái cây Việt Nam.

Từ Festival, các nhà tổ chức kỳ vọng sẽ tác động đến từng nhà vườn và các ngành liên quan để làm thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm từ việc chọn giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, xuất khẩu, hướng tới nền sản xuất hàng hóa, có sự đầu tư bài bản, gắn kết chặt chẽ “4 nhà” nhằm tạo ra sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường tiêu thụ dù khó tính nhất.

“Mong muốn của chúng tôi là sẽ tổ chức Festival 2 năm một lần và các tỉnh sẽ luân phiên tổ chức”, ông Trần Thế Ngọc cho biết như vậy.

* Xác lập những kỷ lục độc đáo

Một điểm nhấn của Festival lần này là xác lập 3 kỷ lục Việt Nam về cây trái. Theo ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty CAT Bình Minh, đơn vị thiết kế Festival, các nghệ nhân sẽ kết cây trái thành sản phẩm Tứ linh “Long – Ly – Quy - Phụng” có bề ngang 18m, chiều cao 5m. Đại học  Nghệ thuật Huế sẽ thực hiện bức tranh rồng  vẽ bằng nghệ thuật graffiti dài 400m và một tấm bản đồ Việt Nam được kết bằng cây trái các vùng có kích thước 6m x 4m.

* Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc trái cây”, là tỉnh có diện tích và sản lượng trái cây lớn nhất cả nước với hơn 67 ngàn ha, sản lượng bình quân 950 ngàn tấn/ năm. Nơi đây có nhiều đặc sản nổi tiếng, có giá trị kinh tế cao như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, bưởi lông Cổ Cò, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, khóm (dứa) Tân Phước…

Monre

Tin cùng chuyên mục