,

Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, từ nay đến năm 2020 dự kiến sẽ dành khoảng 44.000 tỷ đồng xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt. Số vốn này sẽ được huy động theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) từ ngân sách trung ương và địa phương cùng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam...

Hiện nay, chương trình xử lý CTR sinh hoạt đô thị giai đoạn 2010 - 2020 được áp dụng các công nghệ nhằm hạn chế tối đa việc chôn lấp rác như trước đây. Để thực hiện chương trình này, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các địa phương cần khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực xử lý CTR sinh hoạt đô thị

Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 tất cả các địa phương đều được đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý CTR đô thị áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp; trong đó, đặc biệt ưu tiên các khu xử lý CTR có tính chất vùng.

Theo lộ trình xây dựng, đến năm 2015 sẽ có 85% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó khoảng 60% được tái chế, tái sử dụng. Tỷ lệ này đến năm 2020 tiếp tục được nâng lên 95% tổng lượng CTR được thu gom với 85% được tái chế.... Giai đoạn 1 từ 2010 - 2015 được tập trung triển khai tại một số nơi như: đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, đô thị đang sử dụng bãi chôn lấp không hợp vệ sinh và chưa có dự án đầu tư, nơi có bãi chôn lấp đã hết hạn sử dụng và không mở rộng quy mô bãi, đô thị là trung tâm vùng, đô thị du lịch, đô thị có công trình xử lý CTR có tính chất vùng theo quy hoạch đã phê duyệt... Giai đoạn 2 từ 2016 - 2020 sẽ thực hiện nốt tại các đô thị còn lại trong đó ưu tiên những nơi có bãi chôn lấp đã hết hạn sử dụng và không mở rộng quy mô. 

Để thực hiện có hiệu quả việc xử lý CTR sinh hoạt đô thị, chương trình này sẽ xác định các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý, chủ đầu tư, quy hoạch quản lý CTR (vị trí, địa điểm, quy mô các khu hoặc nhà máy, hoạt động thu gom, vận chuyển), cơ chế chính sách ưu đãi (đất đai, tiêu thụ sản phẩm, vốn đầu tư, phương thức thực hiện)... 

Monre

Tin cùng chuyên mục