Cây nghiến tại làng Bó Bẩm thuộc Khu di tích Pác Bó có đường kính hơn 2 mét, cao 400 mét, có niên đại được xác định vào khoảng 500 năm tuổi. Cây nghiến cổ thụ này được mọc trên sườn núi ngay lối vào cửa hang Cốc Bó, sát bờ suối Lê Nin. Cây nghiến là một nhân chứng lịch sử, in đậm dấu chân của bác Hồ và các chiến sỹ cách mạng tiền bối đã từng hoạt động trong suốt giai đoạn từ năm 1946 đến 1954 và những năm tiếp theo.
Cây nghiến tại bản Lũng Túng được xác định có niên đại gần 1.000 năm tuổi. Cây có chiều cao khoảng 50 mét, đường kính thân 2,5 mét. Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đây là một trong những cây nghiến cao tuổi và có kích thước lớn nhất Việt Nam. Đáng chú ý, cây nghiến 1.000 tuổi này mọc ở khu vực Đông Sấn (nơi đây được bà con dân bản gọi với cái tên huyền bí “khu rừng thiêng”). Người dân bản cho rằng, các cây cổ thụ mọc ở Đông Sấn đều có linh hồn, nếu người nào xâm phạm, chặt phá sẽ bị thần rừng trừng trị. Đây là kết quả bảo tồn rừng nhờ một tập tục mang màu sắc tâm linh của đồng bào Tày, Nùng thể hiện cách ứng xử bình đẳng và văn minh giữa con người với thiên nhiên.
Cây nghiến có tên khoa học Excentrodendron tonkinensis Chang & Miau, thuộc họ Đay (Tiliaceae). Nghiến thường được phân bố nhiều ở vùng phía Bắc Việt Nam, tập trung chủ yếu tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Hòa Bình. Là loại cây có thể cao trên 30 mét, đường kính trên 1 mét, thân thẳng, hình trụ tán rộng... Gỗ nghiến rất cứng và bền, không bị mối mọt, nên thường được dùng trong các công trình vĩnh cửu, đóng bàn ghế. Thớt nghiến được coi là loại thớt tốt nhất. Tuy nhiên, gỗ nghiến ngày càng khan hiếm do bị khai thác quá mức, do đó, cây nghiến được pháp luật bảo vệ và được lưu giữ trong nhiều khu bảo tồn.
* Ảnh: Chủ nhiệm UB KHCN – MT Quốc hội GS Đặng Vũ Minh trao tặng Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam