,

Cho thuê rừng đầu nguồn: Quốc hội cần đi khảo sát

"Nếu không đảm bảo cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, có thể khiến họ tiếp tục phá rừng để mưu sinh. Như vậy, nguy cơ mất rừng cả ở những khu vực khác cũng rất cao."- ĐBQH Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát tỉnh Tây Ninh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lên tiếng

- Dư luận đang có những ý kiến khác nhau về việc nhiều tỉnh vừa qua đã cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn. Là một người từng nhiều lần chất vấn trước diễn đàn Quốc hội về vấn đề bảo vệ rừng, ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Ông Nguyễn Đình Xuân: Hiện nay việc cho thuê rừng và đất rừng theo luật quy định, là dành cho cả người nước ngoài và Việt Nam.

Nhưng tôi lo ngại về mục đích của việc cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê rừng đầu nguồn dài hạn.

Việc kêu gọi đầu tư nước ngoài chủ yếu là nhằm thu hút các nhà đầu tư có ưu thê' về khoa học công nghệ, có kinh nghiệm quản lý hay vốn đầu tư lớn... là những lĩnh vực mà ta đang thiếu.

Tôi không hiểu tại sao ta không huy động sẵn nguồn lực trong nước mà lại kêu gọi đầu tư nước ngoài cho các dự án lớn này trong khi chúng ta đang có chương trình 5 triệu hecta rừng cũng như nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước vào ngành lâm nghiệp.

Mặt khác, một dự án về lâm nghiệp bao giờ cũng đa mục tiêu. Đầu tiên là mục tiêu giải quyết công ăn việc làm và cuộc sống cho người dân địa phương, đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vê' môi trường, phòng hộ đầu nguồn, đảm bảo đa dạng sinh học...

Khi chúng ta cho một công ty nước ngoài thuê, liệu lấy gì để bảo đảm rằng họ sẽ tuân thủ theo các mục tiêu như chúng ta mong muốn hay là họ chỉ làm vì lợi nhuận?

Như phóng sự đăng trên VietNamNet thì nhà đầu tư họ thuê đất rừng ở Lạng Sơn chỉ để trồng cây bạch đàn làm nguyên liệu giấy. Đây là loại cây mà nhiều nhà khoa học trước đây đã phản đối vì nó không phải là cây bản địa, không duy trì sự đa dạng sinh học, làm hệ sinh thái trở nên nghèo nàn và có hại cho đất.

Phần lớn các dự án lâm nghiệp của chúng ta sau này đều chuyển sang trồng cây keo tai tượng xen kẽ với cây gỗ bản địa, giữ được môi trường tốt hơn.

Không biết các nhà đầu tư nước ngoài đã giữ được các cam kết gì và thực hiện nó như thế nào để đáp ứng các điều kiện trên cũng như giải quyết công ăn việc làm cho bà con địa phương. Đây là những vấn đề mà tôi lo ngại.

Ngoài ra cũng nên quan tâm đến bảo đảm an ninh quốc phòng. Bởi vì những vùng đồi núi, rừng, địa bàn hiểm trở như vậy là những nơi có địa hình thuận lợi cho phòng thủ và bảo vệ đất nước.

Trong các dự án trên, vấn đề di dân tái định cư chưa được đặt ra nghiêm túc và nếu chúng ta không đảm bảo được cho cuộc sống của những người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ xảy ra nguy cơ họ sẽ bỏ đi sang những cánh rừng khác và tiếp tục phá rừng để sinh sống. Như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ mất rừng ở những khu vực khác.

Điều này cũng cần phải được đánh giá kỹ càng.

- Trong trường hợp nào mới cần kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài?

Theo tôi, nếu cần kêu gọi các dự án nước ngoài đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp thì cần phải chứng minh rằng các dự án đó ưu việt hơn so với dự án mà người dân hay các công ty trong nước đang đầu tư, hoặc họ có trình độ quản lý tốt hơn, còn nếu chỉ để trồng bạch đàn thì đâu cần đến nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, theo tôi được biết thì chúng ta vẫn còn thừa khá nhiều kinh phí từ chương trình 5 triệu hecta rừng đang triển khai.

- Giả sử đứng từ góc độ của nhà làm quản lý, ông lý giải thế nào về việc dân số nước ta đông, nhiều nhân lực có kinh nghiệm trồng rừng nhưng tại sao ta vẫn cắt đất cho nước ngoài thuê rừng?

Có lẽ việc trồng rừng, phát triển rừng của chúng ta hiện nay vẫn đang còn có nhiều điểm bất cập, định mức đầu tư chỉ mới đủ để trồng rừng chứ không đủ để người dân sinh sống cho đến ngày thu họach gỗ.

Phải có một cơ chế đầu tư như thế nào để người trồng rừng họ sống được. Sau khi đầu tư trồng rừng ban đầu, cần có vốn để người dân phát triển chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày, cây phụ trợ để những người trồng rừng họ có thể tồn tại trong thời gian chờ rừng phát triển, thường là từ 7-8 năm.

Như chúng tôi hiện nay đầu tư ở đây khoảng 9,6 triệu/1 hecta trong ba năm đầu nhưng số tiền đó chỉ là kinh phí đủ để trồng và chăm sóc rừng mà thôi.

Dân sẽ sống bằng gì thì ta chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ phù hợp để họ lấy ngắn nuôi dài.

Vấn đề thứ hai là chuyện bán gỗ và nguyên liệu giấy. Thương lái thu mua gỗ của dân với giá rất thấp so với giá trị thực làm cho người trồng rừng rất khốn khổ, nhất là vùng núi phía bắc. Thành thử cả người dân và doanh nghiệp trong nước không mặn mà cho lắm.

Chính vì vậy các chỉ tiêu trồng rừng của ta nhiều năm không đạt.

- Nên tháo gỡ những điểm bất cập từ đâu thưa ông?

Với gỗ rừng trồng, cần có một chính sách trợ giá, bao tiêu sản phẩm để người dân được hưởng lợi thực sự từ rừng.

Thứ hai, dân được tiếp cận vốn, kỹ thuật để sản xuất cây ngắn ngày, cây phụ trợ trên các cánh rừng.

Thứ ba, cần triển khai rộng rãi việc thu phí dịch vụ môi trường rừng, những đối tượng được hưởng lợi từ rừng phải có trách nhiệm với rừng, với những người trồng và giữ rừng. Các đập thuỷ điện, thuỷ nông, các nhà máy nước ở hạ nguồn, các khu công nghiệp, các đô thị ở hạ nguồn phải có chi trả lại một khoản nhất định cho những người trồng rừng và giữ rừng để họ gắn bó với rừng hơn.

- Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi khi thảo luận về các chương trình trọng điểm quốc gia trong đó có chương trình trồng 5 triệu hecta rừng thì những khó khăn này đã được nhìn nhận ở mức độ nào? Có đại biểu địa phương nào lo ngại tình trạng cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn dài hạn không?

Nhiều đại biểu đã nói về nạn phá rừng, những bất cập về bảo vệ rừng và việc ta phá rừng tự nhiên để chuyển sang trồng cao su và cây nguyên liệu giấy.

Chủ trương của Quốc hội vẫn là ưu tiên bảo vệ rừng tự nhiên của đất nước và tất cả đã được cụ thể hoá bằng các văn bản pháp luật, nghị quyết. Như Luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ và phát triển rừng, luật đa dạng sinh học, Nghị quyết số 73/2006/NQ-QH về dự án 5 triệu ha rừng, nghị quyết số 66/2006/QH11 về các công trình quan trọng quốc gia...

Tuy nhiên chính sách ưu tiên bảo vệ rừng tự nhiên lâu nay không được triển khai tốt.

Nhiều địa phương vẫn đang để mất rừng, vẫn đang cho phép chặt bỏ rừng tự nhiên "nghèo" để chuyển sang mục đích khác, làm giảm độ che phủ thực tế và tính đa dạng sinh học. Sự mất mát này có thể là không thể tính được nhưng hậu quả thì xảy ra rất nhanh chóng mà nhiều người vẫn đang đổ lỗi cho "biến đổi khí hậu".

- Lãnh đạo một số địa phương cho rằng việc họ cho các nhà đầu tư nước ngoài cho thuê rừng là để tăng nguồn thu ngân sách và chỉ cho thuê những khu vực đất trống trong khi theo tìm hiểu của VietNamNet thì nhiều người dân đã kiên quyết không giao đất giao rừng vì lo ngại sẽ không còn đất cho con cháu. Ông bình luận gì về việc này?

Nên nhớ rằng người dân, nhất là đồng bào dân tộc sống bằng tài nguyên của rừng.

Rừng chính là nhà của họ, là vườn cây của họ. Đã từ hàng nghìn năm nay, đồng bào lấy gỗ, lấy măng, tre trúc, thuốc fhữa bệnh và nhiều sản vật khác từ rừng, lâm sản để sống như một thứ tài sản chung của cộng đồng và cũng không ai đi đăng ký để được cấp sổ đỏ, sổ xanh gì cả.

Họ có nền sản xuất và sinh hoạt phụ thuộc vào rừng, điều này cũng tạo ra bản sắc văn hoá riêng. Nếu giao đất, giao rừng cho nhà đầu tư nước ngoài, dân sẽ không còn rừng để sống, thì, họ vừa lâm vào cảnh khó khăn về vật chất, vừa làm mai một đi nền văn hoá gắn chặt với rừng.

Tôi được biết vừa rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hướng dẫn là khi nhà nước thu hồi rừng thì chỉ bồi thường cho chủ rừng chi phí đầu tư. Như vậy họ không được bồi thường về đất và tài nguyên rừng tương tự như đất nông nghiệp của người miền xuôi. Điều này sẽ đẩy người dân địa phương vào khó khăn, mất kế sinh nhai, gây ra nhiều vấn đề xã hội khác.

- Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và một số vị tướng khác đã gửi thư cho Chính phủ và Quốc hội cảnh báo những nguy cơ về việc cho nước ngoài thuê đất rừng dài hạn. Từ góc độ một đại biểu Quốc hội, ông thấy vấn đề này đã đến tầm cỡ để Quốc hội giám sát chưa?

Tôi cho rằng các cơ quan của Quốc hội như Uỷ ban Quốc phòng An ninh, Uỷ ban Khoa học Công nghệ môi trường sẽ có các hoạt động giám sát, khảo sát thực tế các sự việc này theo chức năng và nhiệm vụ của họ. Ngoài ra, với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tìm hiểu đầy đủ các thông tin liên quan để có thể có ý kiến chính thức với Quốc hội và cũng là để trả lời cử tri.

Vietnamnet

Tin cùng chuyên mục