,

Các dự án biến đổi khí hậu đang thu hút tài trợ

Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện các dự án về biến đổi khí hậu đang thu hút tài trợ từ các đối tác quốc tế nhiều hơn so với các dự án về môi trường.

Mới đây Ngân hàng châu Á và chính phủ Úc đã tài trợ 1,3 triệu đô la Mỹ cho các dự án biến đổi khí hậu ở ĐBSCL; và trước đó  Tổng cục Môi trường cũng đã ký một biên bản hợp tác kỹ thuật với tổ chức JICA, Nhật Bản trị giá 6 triệu đô la Mỹ để triển khai ở 5 địa điểm là Hà Nội, Hải Phòng, Huế, TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bốn dự án hợp tác quốc tế từ năm 2009 cũng đã chuyển dần sang hướng biến đổi khí hậu như xây dựng năng lực, áp dụng phương pháp kỹ thuật để loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật, giảm phát thải ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ công nghiệp, giảm rác thải ý tế, đặt biệt từ thủy ngân hay dioxin ra môi trường.

Trong năm 2010, tổng cục cũng đã lên kế hoạch cho 3 dự án mới về E-manifest – hệ thống thông tin quản lý chất thải; về cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia nhân Năm Quốc tế về đa dạng sinh học; về kỹ thuật và kinh nghiệm của châu Á trong các cụm công nghiệp.

Các dự án về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, vốn giúp giảm lượng phát thải khí CO2 vào môi trường cũng thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế như dự án cho vay tiết kiệm năng lượng phối hợp với JICA, và dự án về quản lý hiệu suất năng lượng, phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) với tổng số tiền lên tới hơn 50 triệu đô la Mỹ.

Một chuyên gia cho biết, các nhà tài trợ chủ yếu tập trung vào vấn đề đầu tư cho các dự án hợp tác về biến đổi khí hậu, ngoài một số lưu ý về hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp. Vì thế, theo chuyên gia này, điều quan trọng là phải xác định các nội dung hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, lồng ghép với vấn đề biến đổi khí hậu đối với môi trường, mới có thể thu hút tài trợ từ các tổ chức quốc tế.

Theo đó, các lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, quan trắc môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường ven biển, lưu vực sông sẽ vẫn là các vấn đề đủ sức hấp dẫn các nhà tài trợ.

Monre

Tin cùng chuyên mục