,

Bảo vệ môi trường trong... 16 tiếng!

Một ngày có 8 tiếng dành để ngủ, không làm được gì trong ấy, trừ phi… mộng du. 16 tiếng còn lại, bạn vẫn có thể làm được khá nhiều điều cho môi trường xanh...

Với nhiều người, cứ nghe cụm từ “bảo vệ môi trường” là lập tức nghĩ tới Chính phủ, Liên hiệp quốc, hoặc ít ra cũng phải là tổ chức Hòa bình xanh. Nhưng thật ra những chuyện nho nhỏ để "sống xanh" thật là gần gũi và không khó lắm. Vấn đề là bạn đừng chỉ chia động từ “thực hiện” ở thì tương lai!

Đừng nấu thừa thức ăn

Thói quen của người Việt là “thừa thì tốt hơn thiếu”, vì ngại phát sinh phần ăn đột xuất, hoặc ngại người khác cho mình là keo kiệt. Nhưng nấu thừa, sau đó cất vào tủ lạnh, rồi mang ra chế biến lại, thì đến 70% trường hợp là nó sẽ tiếp tục bị thừa, rồi phải đổ bỏ.

Nấu vừa đủ ăn, thậm chí thiếu một chút cũng tốt hơn là thừa. Vấn đề không chỉ là tiết kiệm thực phẩm, không hoang phí, mà còn để tạo lập thói quen không “xài” nhiều hơn nhu cầu. Nấu thừa rồi đổ bỏ cũng khiến rau, thịt cá, chất đốt tăng lên, khí thải nhiều hơn mà chẳng mang lại tích sự gì cả. Mỗi hộ gia đình hay cá nhân chỉ sử dụng đúng theo nhu cầu sẽ góp phần làm tốc độ hủy hoại môi trường chậm lại. Riêng về ăn, chọn thực phẩm ít thịt cũng là cách nên làm, vì vừa giảm cholesterol, vừa làm giảm phí tổn môi trường. Nuôi một con bò thịt chẳng hạn, sẽ mất nhiều chi phí hơn so với nuôi cá hoặc trồng rau. Các nhà khoa học đã thống kê, riêng việc “xì hơi” của bò cũng là một thủ phạm khiến Trái đất nóng lên.

Chuyển qua đi bộ, xe đạp hoặc xe công cộng

Tổng cộng lượng nhiên liệu sử dụng và khí thải tạo ra do xe cá nhân sẽ lớn hơn là phương tiện công cộng. Thói quen cứ ra khỏi nhà là leo lên xe gắn máy đang định hình thành một tập quán xấu. Nó tiện cho việc di chuyển linh hoạt của cá nhân, nhưng lại làm tăng khí thải, kẹt xe. Mặt khác, nó cũng có phần tạo nên ý thức ưu tiên cho lợi ích riêng trong quan hệ với lợi ích chung. Ở TP.HCM chẳng hạn, sẽ còn khá lâu để có 20% dân số thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng. Điều này tạo nên nhiều hệ lụy cho hiện tại và tương lai.

Với các cự ly không xa, phù hợp nhất là bạn dùng xe đạp hoặc đi bộ. Xa hơn nữa thì dùng xe buýt. Không nên bảo rằng để 10 năm nữa có tàu điện ngầm rồi đi luôn thể. Hơn nữa, vận động như một thói quen thông qua di chuyển sẽ làm bạn khỏe hơn.

Tận dụng đồ cũ

Do tính sĩ diện, dân xứ mình thường không thích xài đồ cũ (trừ sở thích mặc quần áo “sida”). Từ trang phục, đến đồ điện tử, hay to hơn nữa là xe máy, ô-tô, số đông vẫn chỉ nhất mực chọn đồ mới tinh. Dĩ nhiên, xét về phương diện an toàn và hiệu năng, mua đồ mới xài là tốt nhất. Nhưng cũng có những món có thể trao đổi hoặc mua lại của người khác về xài mà không "ảnh hưởng đến hòa bình thế giới": nôi em bé, công cụ làm việc nhà, cây cảnh… Chỉ chú ý là đồ cũ thì không phải là rác.

Muốn mua cái gì, bạn nên chịu khó leo lên mạng, rất nhanh và tiện hoặc có thể trao đổi thông tin với người quen, bạn bè để “giao lưu” đồ cũ. Tốn bộn tiền chỉ để “giải quyết khâu oai” thì vừa lãng phí, vừa làm ô nhiễm môi trường tăng lên. Chẳng hạn, nhu cầu xài máy tính của bạn chỉ là lướt web, đọc mail, chat chít với bạn bè, làm việc trên các phần mềm văn phòng thông dụng… thì chỉ cần mua một chiếc máy tính xài rồi.

Tạo khoảng xanh ngoài cửa sổ

Vài chậu dây leo, cây cảnh ngoài cửa sổ vừa giúp mắt của bạn đỡ xốn xang vì cái nắng nhiệt đới, vừa làm giảm bụi, tiếng ồn. Chi phí cho khoản mục này khá thấp, mà lại giúp bạn vận động thêm, và thư giãn. Khoảng xanh ở cửa sổ cũng làm giảm hiệu ứng nhà kính ở đô thị, trong khi công viên vẫn phần nhiều thuộc về ước mơ của đa số.

Với 1m2 ở khu vực ban công, treo vài chậu lan, trồng ít dây thằn lằn, vài chậu ớt hoặc bonsai thì vừa dễ làm, vừa tạo ra sự thân thiện môi trường.

Hướng dẫn cho trẻ nhỏ

Nếu nhà có em bé, việc hướng dẫn cho trẻ biết sử dụng hiệu quả thực phẩm, đồ chơi, vật dụng thì cũng chính là… phát triển bền vững! Dạy bé biết tiết kiệm nước, tắt đèn khi không sử dụng, hứng nước mưa để tưới cây, chế tạo đồ chơi từ vật dụng bỏ đi đều là những cách thú vị. Xài hợp lý một mẩu giấy ăn, kèm theo hướng dẫn vui vẻ cho trẻ sẽ tạo nên thói quen bảo vệ môi trường bằng những hành vi bình thường.

Nếu có thời gian và đủ khả năng hiểu biết, bạn nên kể cho trẻ nghe về cách làm ra một vật dụng, để trẻ hiểu về đồ vật ấy tốn nguyên liệu, nhiên liệu, công sức…như thế nào. Câu chuyện thú vị thì trẻ nhớ lâu. Và khi có nếp suy nghĩ thân thiện môi trường từ nhỏ, trẻ sẽ làm lan tỏa nhận thức và cách sống ấy ra xung quanh.

Moitruongxanh

Tin cùng chuyên mục