,

13 loài sinh vật biển nguy cấp nhất

Báo The Daily Green (Mỹ) vừa giới thiệu 13 loài sinh vật biển nguy cấp nhất, từ loài tôm nhỏ bé đến cá voi khổng lồ.

Mặc dù đang bị đe dọa nhưng những loài này lại chưa được bổ sung vào danh sách các loài được bảo vệ tại Hội nghị (lần thứ 15) Công ước về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng quốc tế (CITES) vừa kết thúc hôm 25-3 ở thủ đô Doha, Quatar.

1. Cá ngừ vây xanh (Bluefin tuna)

Cá ngừ vây xanh là loài cá có giá trị nhất thế giới đang gặp nguy hiểm lớn. Theo Ủy ban Quốc tế về bảo tồn cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT), hiện chỉ còn khoảng 25.000 con cá ngừ vây xanh trưởng thành. Các nhà bảo vệ môi trường hi vọng nhận được sự bảo vệ loài cá này nhiều hơn tại cuộc họp CITES nhưng mọi nỗ lực đã bất thành, trong khi cuộc họp CITES 3 năm mới tổ chức 1 lần.

Kẻ thù lớn nhất của cá ngừ vây xanh chính là do chúng ta đánh bắt quá mức, bao gồm việc các trại cá ngừ đã bắt sống chúng và nuôi dưỡng trong nhiều tháng trước khi được xuất khẩu.

2. Chim cánh cụt chân đen (Cape penguin)

Chim cánh cụt chân đen hoặc cánh cụt “đần độn” là loài cánh cụt đặc hữu của châu Phi, có tên khoa học là Spheniscus demersus, tiếng gọi bầy của loài chim này khá đặc biệt, giống như một con lừa hí.

Tại sao cánh cụt chân đen và nhiều loài chim biển khác đang bị đe dọa? Nguyên nhân là do mất môi trường sống (nơi làm tổ), dầu tràn và đánh bắt cá quá mức (nguồn thức ăn chính của chúng).

3. San hô (coral)

Đừng quên san hô là một động vật biển đấy! Trong thực tế, san hô là một phần quan trọng trong hệ sinh thái đại dương. San hô là nơi trú ngụ, sinh sản và đẻ trứng cho các sinh vật biển khác.

Quá trình axit hóa đại dương, đánh bắt cá thương mại bằng lưới rà là những mối đe dọa chính tới san hô.

4. Cá voi xám (gray whale)

Đây là loài duy nhất trong số các loài cá voi có bướu trên lưng của chúng. Loài cá voi có chiều dài cơ thể khoảng 15m này cũng đáng chú ý với những tiếng kêu rền rĩ, gầm gừ, cú va chạm mạnh và những âm thanh đặc biệt khác. Cá voi xám sống tại bán đảo Baja California (Mexico) được cho là thân thiện. Loài động vật này còn được biết đến trên thế giới là hung dữ trong lúc những bà mẹ cá voi bảo vệ đứa con mới sinh.

Trải qua nhiều thế kỷ săn cá voi quá mức đã làm cá voi xám sống ở Bắc Đại Tây Dương tuyệt chủng, còn ở tây bắc Thái Bình Dương thì đang trong tình trạng “cực kỳ nguy cấp”. Một tin tốt là nhờ việc hạn chế đánh bắt cá tại đông bắc Thái Bình Dương đã giúp cá voi xám sống tại khu vực này sinh sôi và được các nhà khoa học loại khỏi danh sách các loài đang nguy cấp của Mỹ vào năm 1994.

5. Cá heo Hector (Hectors dolphin)

Chỉ còn khoảng 7.400 cá thể cá heo Hector trưởng thành được tin là còn sống ở ngoài khơi bờ biển New Zealand. Hiện cá heo Hector được liệt kê ở mức “nguy cấp” trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Săn bắt cá không chủ đích (bycatch), các hóa chất gây ô nhiễm môi trường và sự náo động của thuyền bè đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới loài cá heo Hector.

6. Cá hàng chài đầu to (Humphead wrasse)

Cá hàng chài đầu to còn được gọi là cá Napolean, đây là một trong những loài cá lớn nhất cư ngụ tại những dải san hô ngầm, có thể tìm thấy chúng ở những dải san hô trên khắp các hòn đảo Thái Bình Dương và một phần Ấn Độ Dương.

Ồ, Napolean là loài cá lưỡng tính đấy! Chúng sẽ chuyển đổi giới tính từ giống cái sang giống đực trong quá trình cơ thể đạt tuổi trưởng thành (khoảng 9 năm tuổi). Các yếu tố kiểm soát thời gian thay đổi giới tính chưa được biết đến.

Vì cá hàng chài mất một thời gian dài mới đạt tuổi thành thục giới tính, do đó chúng sẽ sinh sản chậm. Với cơ thể to lớn, những ngư dân sẽ dễ dàng dự đoán được vị trí cá hàng đầu to làm tổ đẻ trứng để đánh bắt chúng, đe dọa tới các thế hệ sau của loài cá này.

7. Tôm (Krill)

Sinh vật nhỏ xíu này đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương. Nó là nguồn cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật biển từ cá hồi đến cá voi xanh. Chúng bị con người khai thác làm thức ăn cho cá nuôi.

8. Rùa quả đồng (Loggerhead sea turtles)

Giống như 6 loại rùa biển khác, rùa quả đồng (còn được gọi là rùa đầu to) được liệt kê ở mức “nguy cơ tuyệt chủng” trong đạo luật các loài đang cấp (Mỹ).

Bị mắc vào các ngư cụ là kẻ thù tệ hại nhất của rùa biển, nhưng mất môi trường sống và biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân đẩy các loài rùa biển đến bên bờ vực tuyệt chủng.

9. Lợn biển (Manatee)

Lợn biển là động vật khổng lồ, hiền hành, ăn thực vật. Dân số lợn biển lớn nhất là ở Floria nhưng ngay cả tại đây cũng chỉ còn ít hơn 3.000 cá thể trưởng thành đang tồn tại.

Ngoài nguyên nhân nước đóng băng vào mùa đông 2010 đe dọa tới lợn biển và các sinh vật biển khác ở Florida, thì tảo độc (gây ra bởi con người làm ô nhiễm nguồn nước), mất môi trường sống và va chạm các thuyền cũng ảnh hưởng tới sự sống còn của chúng.

10. Hải cẩu sư Địa Trung Hải (Mediterranean monk seal)

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), hải cẩu sư hiện tại chỉ còn khoảng 6 bầy sống cô lập trải dài từ Bồ Đào Nha đến Senegal.

Săn bắt, phá hủy môi trường sống, ô nhiễm và sự suy giảm trữ lượng cá đã đe dọa tới loài hải cẩu này. Ngoài ra, các loài hải cẩu khác có thể bị đe dọa bởi sự nóng lên toàn cầu, đặc biệt là môi trường sống Bắc cực và Nam cực đang thay đổi nhanh chóng.

11. Cá hồi Chinook (Chinook salmon)

Cá hồi, hải sản phổ biến nhất và là đối tượng được ưa thích của những người đam mê môn thể thao câu cá. Cá hồi Chinook sống trải dài từ Alaska đến California đang suy giảm nghiêm trọng do ô nhiễm, sự nóng lên toàn cầu và do đánh bắt không chủ đích.

12. Cá heo Vaquita (Vaquita)

Loài cá heo nhỏ Vaquita là một trong số những động vật có vú ở biển có nguy cơ tuyệt chủng nhất. Hiện còn ít hơn 600 cá thể trưởng thành sống trong vùng vịnh Mexico của California.

Việc xây đập trên sông Colorado (chảy vào vịnh Mexico) đã ảnh hưởng phần nào tới môi trường sống của chúng. Không những thế, bị mắc vào lưới đánh cá và đánh bắt không chủ đích cũng góp phần lâm nguy cho cá heo Vaquita.

13. Rái cá biển Bắc (Northern sea otter)

Rái cá biển Bắc được tìm thấy ngoài khơi bờ Tây nước Mỹ (từ Alaska đến Washington) có dân số khoảng 77.000 con, trong khi rái cá biển nam sống ở ngoài khơi bờ biển Califorina có dân số ít hơn khoảng 3.000 con.

Trong quá khứ, mối đe dọa lớn nhất đối với rái cá biển là buôn bán thương mại lớp lông dày của chúng làm dân số giảm xuống đáng kể từ nhiều hơn 1 triệu con, có lúc chỉ còn ít hơn 2.000 con. Còn mối đe dọa hiện tại đến rái cá biển là sự tràn dầu, dịch bệnh, mất môi trường sống, mắc lưới đánh cá, thức ăn của chúng như trai, cua, sò, hến suy giảm do bị con người đánh bắt.

Monre

Tin cùng chuyên mục