1. Khai thác vàng thủ công
Với các phương tiện đơn giản nhất như: quặng vàng trộn lẫn với thủy ngân sau đó hỗn hợp này sẽ được nung chảy, thủy ngân bốc hơi, chất còn lại là vàng. Hậu quả, người khai thác thì hít khí độc còn chất thải thủy ngân thì gây ô nhiễm môi trường, tích tụ trong cây cối, động vật và từ đó lan sang chuỗi thực phẩm.
2. Ô nhiễm mặt nước
Mỗi người mỗi ngày cần khoảng 20 lít nước ngọt để ăn, uống và từ 50-150 lít nước để sinh hoạt. Dân số ngày một tăng, nông nghiệp ngày một phát triển vì thế tài nguyên nước ngày càng khan hiếm và ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Con người bị nhiễm độc có thể do uống phải nước hoặc ăn thức ăn bị nhiễm độc. Cây trồng và các loại thủy sản cũng có thể bị nhiễm chất độc trong nước nhiễm độc.
3. Ô nhiễm nước ngầm
Nước ngầm là nguồn nước quan trọng nhất. Tại các khu đô thị, việc chọn vị trí đổ chất thải hoặc bể phốt làm không tốt nên chất độc cũng như các tác nhân gây bệnh có thể ngấm vào nguồn nước ngầm. Ngoài ra, các loại dầu máy thải, chất tẩy rửa từ các hộ gia đình hoặc thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học dùng trong nông nghiệp cũng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Do sự di chuyển của nước ngầm rất chậm nên sự nhiễm chất độc có thời gian tích tụ lâu dài, thậm chí sau nhiều năm mới thâm nhập vào nguồn nước ăn.
4. Ô nhiễm không khí trong căn hộ chật chội
Hơn 50% dân số thế giới, chủ yếu ở các nước đang phát triển, sử dụng than, củi và rơm rạ để đun nấu. Riêng tại Trung Quốc, Ấn Độ và miền Nam châu Phi, 80% hộ gia đình vẫn phải đun nấu, sưởi ấm theo hình thức này. Đây là nguyên nhân gây 3 triệu ca tử vong hằng năm trên thế giới và 4% trường hợp bị đau ốm. Việc đun nấu thường diễn ra ở một khu vực chật chội, không có hệ thống thoát khí. Không khí bị ô nhiễm không những gây hại đối với người đun nấu, chủ yếu là phụ nữ, mà còn với cả các thành viên khác trong gia đình do điều kiện sống chật chội.
5. Khai khoáng công nghiệp
Khó khăn lớn nhất là xử lý chất thải dưới dạng đất đá và bùn. Chất thải này có thể có các hóa chất độc hại mà người ta sử dụng để tách quặng khỏi đất đá. Chất thải ở các mỏ thường có các hợp chất sulfid-kim loại, chúng có thể tạo thành axít, với khối lượng lớn chúng có thể gây hại đối với đồng ruộng và nguồn nước ở xung quanh. Bùn từ các khu mỏ chảy ra sông suối có thể gây ùn tắc dòng chảy từ đó gây lũ lụt.
6. Các lò nung và chế biến hợp kim
Trong quá trình sản xuất và chế biến các loại kim loại như đồng, Nicken, kẽm, bạc, Kobalt, vàng và Kadmium, môi trường bị ảnh hưởng nặng bởi các chất thải như: Hydrofluor, Sunfua-dioxit, Nitơ-oxit khói độc cũng như các kim loại nặng như chì, Arsen, Chrom, Kadmium, Nicken, đồng và kẽm. Một lượng lớn axít-sunfuaric được sử dụng để chế biến. Chất thải rắn độc hại cũng gây hại đến môi trường. Thông thường con người hít thở các chất độc hại này hoặc chúng thâm nhập vào chuỗi thực phẩm. Bụi mịn gây hại nặng nề và ảnh hưởng tới nguồn nước.
7. Chất thải phóng xạ và chất thải từ việc khai thác Urani
Chất phóng xạ được sử dụng để sản xuất điện, dùng trong lĩnh vực Quân sự và Y học. Việc xử lý chất thải phóng xạ từ các lò phản ứng dưới dạng thanh đốt vô cùng khó khăn. Việc chôn vĩnh viễn loại chất thải này hầu như là chuyện không thể. Quá trình khai thác Urani tuy không tạo ra chất thải phóng xạ nguy hiểm, nhưng lại tạo ra một lượng lớn chất thải có lượng phóng xạ tương đối thấp. Tại những nước sản xuất Urani với khối lượng lớn như Cadắcxtan, Nga, Niger, Namibia, Udơbêkixtan, Ucraina và Trung Quốc, những quy định về bảo vệ môi trường và an toàn thường không thực hiện nghiêm chỉnh.
8. Nước thải không được xử lý
Ở nhiều vùng nghèo khổ trên thế giới, phân người và nước thải sinh hoạt không được xử lý mà quay trở lại vòng tuần hoàn của nước. Nước thải không được xử lý chảy vào sông rạch và ao hồ gây thiếu hụt oxy làm cho nhiều loại động vật và cây cỏ không thể tồn tại. Theo WHO, trong năm 2008, có khoảng 2,6 tỷ người không được tiếp cận với các công trình vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân vì sao ở các thành phố nước bị ô nhiễm nặng nề bởi chất bài tiết của con người. Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người bị chết liên quan đến nước thải không được xử lý.
9. Ô nhiễm không khí ở các đô thị
Khí thải từ xe máy, ôtô, các nhà máy điện, khu công nghiệp chứa nhiều hợp chất độc hại và bụi mịn. Những chất này khi phản ứng với ánh sáng mặt trời hình thành những hợp chất mới, ví dụ Ozon, loại khí này ở gần mặt đất rất độc hại. Theo dự đoán của WHO, mỗi năm có khoảng 865.000 trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí gây nên.
10. Sử dụng lại bình ắc quy
Ắc quy ôtô có nhiều tấm chì ngâm trong axít có thể nạp điện để sử dụng nhiều lần. Những bình ắc quy cũ này thường được vận chuyển từ các nước giàu sang các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba để tái sử dụng. Việc tháo gỡ các bình ắc quy này được thực hiện hết sức thủ công và không bảo đảm điều kiện an toàn nên thường xảy ra các vụ ngộ độc chì đối với những lao động tiếp xúc trực tiếp với bình ắc quy cũ. Ngoài ra, về lâu dài, nó còn gây ngộ độc mãn tính: chì tích tụ dần do khối lượng rất nhỏ qua hệ thống hô hấp và tích tụ ở xương.