,

Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu chuyển dịch năng lượng

Trong hai ngày 22 - 23/11, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp tổ chức Chương trình Đối thoại quốc gia: “Chuyển dịch năng lượng bền vững – Quản trị, Tài chính và Công nghệ”. Tham dự có gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế...

 

Xuyên suốt Chương trình, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận xung quanh kế hoạch chuyển dịch năng lượng (CDNL) bền vững của Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Ủy Viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội, các kỳ họp Quốc hội vừa qua đã dành thời gian quan tâm đến các chỉ tiêu, giải pháp về CDNL quốc gia. Các đại biểu đã phản ánh ý kiến của cử tri, thực hiện chất vấn liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban KH, CN&MT, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức giám sát một số ngành, địa phương về các dự án, chương trình có liên quan. Quốc hội Việt Nam cũng tích cực tham gia các nội dung có liên quan tại các diễn đàn đa phương và song phương. Công tác hợp tác quốc tế triển khai nhiều nội dung từ hợp tác trợ giúp kỹ thuật đến các chương trình sử dụng vốn tài trợ, vốn vay ODA và hỗ trợ các doanh nghiệp, khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại hội nghị COP 27, do tình hình phức tạp, đã có một số quốc gia trì hoãn hoặc giảm tham vọng đối với các chính sách về khí hậu, thậm chí chuyển hướng quay về sử dụng năng lượng hóa thạch. Nhưng Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định luôn theo đuổi mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu theo nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân. Việc đạt được mục tiêu dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế. Việt Nam cũng coi đây là cơ hội để thúc đẩy mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, các - bon thấp và bền vững - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định.

Ban chủ trì Chương trình Đối thoại quốc gia: Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội (giữa); ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội (trái);  TS Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam

Trong buổi đối thoại, các đại diện từ các cơ quan của Quốc hội Việt Nam và Đại sứ quán Đức đã cùng chia sẻ về vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy lộ trình chuyển dịch năng lượng (CDNL); các bộ ngành, cơ quan khoa học của Việt Nam cũng trao đổi về định hướng chiến lược phát triển ngành để hướng tới mục tiêu phát thải thấp. Bên cạnh đó, Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu CHLB Đức (BMWK) và Bộ Năng lượng Indonesia cũng đóng góp những kinh nghiệm thực tiễn của nước mình trong lộ trình hướng tới Net-zero vào năm 2060.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ những điểm chính của Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Ông Tấn nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Riêng lĩnh vực năng lượng sẽ giảm không quá 457 triệu tấn CO2 tương đương. Đến năm 2050, Việt Nam dự kiến đạt phát thải ròng bằng “0”, phát thải trong lĩnh vực năng lượng giảm tới 91,6%.

Trong khoảng thời gian ngắn từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược vào tháng 7/2022 đến nay, Việt Nam đã tiến hành cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) lần 2, trình Liên Hợp Quốc tại Hội nghị COP 27. NDC tiếp tục chuyển mục tiêu Chiến lược đến 2030 thành cam kết quốc gia, trong đó, đóng góp không điều kiện là 15,8%; hỗ trợ quốc tế 27,7%, với nguồn lực cần thêm đến 2030 là 86,8 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Chương trình Đối thoại quốc gia

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện các dự án, chương trình chuyển đổi, phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thích ứng BĐKH; đàm phán chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và phê duyệt Kế hoạch giảm 30% phát thải khí Mê-tan. Tại COP27, Đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động nổi bật liên quan đến NDC, giảm phát thải mê-tan, huy động nguồn lực.

TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cho biết, bài học kinh nghiệm từ Đức cho thấy, CDNL thành công cần có sự hợp tác tích cực của các tổ chức, cơ quan nhà nước. Đây là cơ sở để thay đổi cấu trúc của tất cả các ngành liên quan, từ năng lượng đến giao thông vận tải, từ môi trường đến tài chính.

Gần 200 đại biểu tham dự trực tuyến và trực tiếp trong hai ngày 22 - 23/11

Bên cạnh đó, CDNL công bằng cũng cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế. Hoạt động hợp tác phát triển của Chính phủ Đức tại Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn ở cả nhiều lĩnh vực khác như chính sách kinh tế vĩ mô, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động cũng như chính sách khí hậu. Với vai trò là đối tác tin cậy và lâu dài, chúng tôi luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tham vọng về năng lượng và khí hậu của quốc gia.

Theo đại diện lãnh đạo Quốc hội, những khuyến nghị tại Chương trình đối thoại là cơ sở để các cơ quan của Quốc hội tham mưu việc rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật; đồng thời, tăng cường giám sát các Bộ, ngành của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng bền vững trong thời gian tới.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục