,

Thúc đẩy hợp tác khoa học quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu

Vừa qua, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - IMHEM (Bộ TN&MT) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm Hàn Quốc (KTR). Biên bản này đã mở ra cơ hội và thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa hai viện khoa học về lĩnh vực biến đổi khí hậu (BĐKH). Một trong những lĩnh vực được cả hai chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đặc biệt quan tâm.

 

Năm 2021, Hàn Quốc và Việt Nam đã lần lượt ký kết Thỏa thuận khung về hợp tác ứng phó với BĐKH và Kế hoạch hành động chung về BĐKH vì mục tiêu trung hòa carbon năm 2050. Việc ký Biên bản ghi nhớ giữa KTR và IMHEN là bước tiến tích cực, thúc đẩy việc hiện thực hóa các thỏa thuận giữa hai chính phủ về BĐKH.

Lãnh đạo hai đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ

Ông Kim Hyeon-cheol, Chủ tịch KTR cho biết, đây cơ hội để giúp hai cơ quan hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là lĩnh vực BĐKH như các dự án về trung hòa carbon, giảm thải khí nhà kính, trao đổi chuyên môn và đào tạo nhân lực. Với việc ký kết và thực hiện Biên bản ghi nhớ này, KTR và IMHEM sẽ đóng góp đáng kể vào việc thực hiện thỏa thuận giữa hai chính phủ về ứng phó với BĐKH.

Theo Biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ hợp tác song phương trong lĩnh vực trung hòa carbon và giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy hợp tác trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trung hòa carbon và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, trao đổi thông tin văn bản quy phạm pháp luật, thông tin kỹ thuật trong lĩnh vực trung hòa carbon và giảm phát thải khí nhà kính theo Điều 6 Thỏa thuận Pari. Thực hiện các chương trình hội thảo, hội nghị, đào tạo chuyên môn về trung hòa carbon và giảm phát thải khí nhà kính.

Viện KTR giới thiệu với đoàn Việt Nam về trang thiết bị, quy trình hoạt động của Viện

Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEM) Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong muốn, IMHEN và KTR sẽ xây dựng được những kế hoạch cụ thể để thực hiện hợp tác trong đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ của IMHEN và phối hợp đào tạo trình độ tiến sỹ. Đồng thời, xây dựng các dự án chung, tập trung vào các dự án thích ứng và giảm nhẹ BĐK; đánh giá tác động của BĐKH, đặc biệt là thu hồi carbon, kiểm kê khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch carbon, xây dựng các kịch bản giảm phát thải, thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính, kết quả các phương án giảm phát thải, xây dựng và vận hành thị trường carbon.

“Tôi tin tưởng các điều khoản và điều kiện của Biên bản ghi nhớ này sẽ thực hiện đầy đủ và hiệu quả, đáp ứng lợi ích của mỗi bên và góp phần thúc đẩy quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa Việt Nam và Hàn Quốc”, ông Thắng nói.

Đại biểu Việt Nam – Hàn Quốc chụp ảnh trong khuôn viên Viện KTR

Được thành lập vào năm 1969, với tên gọi ban đầu là Viện kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm cao su Hàn Quốc và đến năm 2010 đổi tên thành Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm Hàn Quốc (KTR). Hiện KTR có hơn 1.200 nhân viên, 10 phòng nghiên cứu, 18 chi nhánh tại Hàn Quốc, 7 văn phòng tại nước ngoài và 1 phòng thí nghiệm tại Trung Quốc. KTR được biết đến tư cách là viện thử nghiệm và chứng nhận hàng đầu của Hàn Quốc. Viện hoạt động trên nhiều lĩnh vực như hóa học, môi trường, linh kiện, vật liệu, điện tử, thiết bị y tế sinh học và nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, KTR còn được một số tổ chức quốc tế chỉ định là chi nhánh thử nghiệm và chứng nhận tại khu vực.

Tại Việt Nam, KTR đã thành lập và vận hành Trung tâm đổi mới công nghệ Hàn Quốc - Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ như thử nghiệm, chứng nhận, hỗ trợ cấp phép, bãi bỏ quy định và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty xuất khẩu của cả hai quốc gia. Đồng thời, KTR đã thành lập một hệ thống hợp tác để mở rộng hoạt động giảm thiểu khí nhà kính ở cả Hàn Quốc và Việt Nam. KTR cũng tích cực thực hiện một số dự án hợp tác trung hòa carbon tại Việt Nam. Đơn cử như “Dự án thí điểm giảm thiểu khí nhà kính tại bãi chôn lấp rác Khánh Sơn (Đà Nẵng)” được tiến hành từ tháng 10/2022 và đã xong giai đoạn tiền khả thi.

Lãnh đạo, cán bộ hai Viện IMHEN và KTR thể hiện sự quyết tâm hợp tác về lâu dài

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục