,

Quyết tâm cao, hành động nhanh để bứt phá - Bài 2: Khoảng trống cần lấp đầy

Chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp, mạnh mẽ ở nhiều ngành, địa phương và mang lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ở tỉnh ta, quá trình chuyển đổi số cũng đã bắt đầu nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều “vùng lõm” cần phải được lấp đầy.

Những khoảng trống 

Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 giao Bộ Y tế xây dựng và triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong giai đoạn 2019 - 2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện xây dựng và triển khai giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên việc triển khai Nghị quyết này tại Tuyên Quang hiện chỉ được thực hiện từ 1 phía là bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa ATK Yên Sơn phân trần, hầu hết người dân đến khám, chữa bệnh không nhớ nổi các thông tin cần thiết như: Số chứng minh thư, số căn cước công dân, mã định danh... nên việc nhập dữ liệu để vào hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử không thể thực hiện, nếu có cũng rất mất thời gian. Phía bệnh viện phải thực hiện theo một “quy trình ngược” là tìm đến cơ quan công an để xin thông tin, xác nhận bệnh án cho bệnh nhân. Do vậy để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân, không còn giải pháp nào khác là các y, bác sĩ của bệnh viện quay trở lại cách làm cũ, yêu cầu trình thẻ bảo hiểm y tế, bệnh viện cấp sổ giấy để quản lý, theo dõi quá trình khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa ATK Yên Sơn vẫn phải theo dõi sức khỏe bằng sổ giấy khi khám bệnh cho bệnh nhân.

Mới đây, câu chuyện người dân thôn Cao Ngỗi, xã Đông Lợi (Sơn Dương) đưa con em vượt cả km lên đồi cao để hứng sóng viễn thông học trực tuyến vì dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người phải suy nghĩ. Phần cảm phục cho nghị lực vượt khó nhặt con chữ của người dân nơi đây song phần cũng đặt câu hỏi trong thời đại công nghệ số vẫn còn những vùng lõm không có sóng viễn thông. 
Tương tự, người dân thôn Tấu Lìn, Khuẩy Ma, khu vực Đèo Muồng, Kỉ Cướm xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cũng đứng ngoài cuộc sống số, xã hội số. Anh Sầm Văn Páo, Trưởng thôn Khuẩy Ma bảo, thôn chưa có điện đâu, sóng viễn thông cũng chưa có mà, nên bà con cũng không dùng điện thoại. Một số nhà có điện thoại, muốn gọi đi đâu phải di chuyển ra khỏi thôn, “mót nhặt” sóng rơi, sóng vãi nhưng cũng phập phù lắm.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay tại 1 số khu, cụm dân cư thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, địa hình hiểm trở, tách biệt, sóng viễn thông chưa thể vươn tới, chưa kể 8 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia. Đây chính là trở ngại trong chuyển đổi số và ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người dân.

Ở lĩnh vực kinh tế, việc chuyển đổi số đã bước đầu được thực hiện, tuy nhiên cũng vẫn tập trung ở những doanh nghiệp có lợi thế, còn lại chỉ dừng lại ở 1 số khâu đơn giản.

Hợp tác xã thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) trung bình mỗi năm sản xuất cả chục tấn cá thương phẩm bán ra thị trường, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm gần như vẫn chưa được thực hiện. Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc hợp tác xã cho biết, trình độ hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất - kinh doanh của hợp tác xã là việc rất khó. Theo anh Thiết, việc bán sản phẩm của hợp tác xã cũng vẫn theo lối truyền thống, hợp tác xã có sản phẩm, khách có nhu cầu đến xem hàng, thuận mua vừa bán.

Năm 2021, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số chuyển đổi số (Digital Transformatino Index) viết tắt là DTI của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh ta xếp hạng thứ 44/63 tỉnh, thành phố cả nước về chuyển đổi số, với chỉ số DTI là 0,2714 (chỉ số trung bình cấp tỉnh là 0,3026). Về xếp hạng chính quyền số tỉnh đứng thứ 53/63 tỉnh, thành phố. Về xếp hạng kinh tế số xếp thứ 43/63; xếp hạng xã hội số đứng thứ 39/63.

Nhận diện khó khăn

Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hạ tầng băng thông rộng cáp quang, kết nối Internet của tỉnh đã được phủ đến 100% xã, phường, thị trấn và các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên 1 số mạng LAN và hạ tầng kết nối của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đã đầu tư từ lâu, công nghệ cũ nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay; trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu trữ toàn bộ dữ liệu của tỉnh trong công tác chuyển đổi số; tỉnh cũng chưa xây dựng được mạng diện rộng (WAN) do đó công tác bảo mật, an ninh mạng cho toàn tỉnh chưa được đảm bảo.

Về chính quyền số, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều người chưa biết sử dụng, giao diện hiển thị còn phức tạp, chưa thuận tiện cho người khi làm thủ tục hành chính công; hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tới 4 cấp song nhiều cơ quan đơn vị chưa tích cực sử dụng chữ ký số, vẫn còn ký trên giấy và scan vào hệ thống.

Học sinh Trường Tiểu học Đông Lợi (Sơn Dương) phải lên đồi hứng sóng Internet để học online.

Ở UBND cấp xã, việc sử dụng phần mềm gửi, nhận văn bản điện tử chưa cao, đa số vẫn sử dụng phương pháp truyền thống trên hồ sơ giấy tờ. 1 số cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị chưa được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu thực tế như: Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phần mềm quản lý lưu trữ lịch sử tỉnh Tuyên Quang (Sở Nội vụ); cơ sở dữ liệu địa chính, cơ sở dữ liệu thông tin địa chất - khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường)...  Thêm 1 khó khăn nữa là hiện các cơ quan, đơn vị không có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm dẫn đến việc tham mưu và thực hiện triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả chưa cao.

Trong lĩnh vực kinh tế số, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp về công nghiệp công nghệ thông tin, chưa có doanh nghiệp về công nghệ số, chủ yếu là các doanh nghiệp, cửa hàng mua bán các thiết bị văn phòng, máy tính và các phần mềm nhỏ lẻ. Toàn tỉnh có trên 580 nghìn thuê bao di động, trong đó thuê bao 2G là trên 162 nghìn, chiếm 28% thuê bao trên toàn tỉnh. Đây là vấn đề lớn cần phải giải quyết để thúc đẩy thương mại điện tử, công dân số, xã hội số. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ chưa được tư vấn, giới thiệu hay hỗ trợ áp dụng các nền tảng chuyển đổi số như: nền tảng quản trị doanh nghiệp, kinh tế chia sẻ, vận tải thông minh, kho vận logictics thông minh trong nền kinh tế chia sẻ. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã hộ sản xuất chăn nuôi, trồng trọt được giới thiệu, hỗ trợ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi chưa được áp dụng các nền tảng thương mại điện tử để hàng hóa sản xuất ra được tiêu thụ sản phẩm từ đồng ruộng đến tay người tiêu dùng không qua khâu trung gian.

Về xã hội số, cuộc sống của đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức hạn chế. Ở 1 số xã vùng sâu, vùng xa hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số như điện lưới, sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính... chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn ít. Nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu; kỹ năng ứng dụng công nghệ số của đại bộ phận người dân còn thấp... Đồng chí Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho rằng, thúc đẩy chuyển đổi số ở địa phương trước mắt các thôn phải có điện lưới để sử dụng, phủ sóng viễn thông về lâu dài phải nâng cao trình độ dân trí.

Trong năm nay, mục tiêu của Tuyên Quang là phấn đấu sẽ xếp thứ 35/63 tỉnh thành về chuyển đổi số. Tại cuộc họp giao ban tháng 3 vừa qua, trong nội dung Dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15-11-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chỉ rõ, nhìn vào bảng xếp hạng cho thấy việc chuyển đổi số của tỉnh ở mức độ chậm, thậm chí tiêu chí về chính quyền số đứng ở nhóm các tỉnh trung bình thấp. Điều này đặt ra vấn đề đối với ngành chuyên môn, các địa phương phải quyết liệt và sớm có giải pháp để lấp đầy những khoảng trống trong chuyển đổi số, góp phần cải thiện thứ hạng của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, Sở đang tập trung rà soát lại các vùng lõm sóng viễn thông đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ theo Chương trình viễn thông công ích. Đồng thời, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo đạt mục tiêu này. 

Theo: https://baotuyenquang.com.vn/

Tin cùng chuyên mục