,

Phát triển điện gió ngoài khơi – Xu hướng lớn toàn cầu

Theo thống kê gần 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình của sản lượng điện năng của Việt Nam đạt mức 10 - 12%/năm. Nước ta luôn quan tâm đến phát triển năng lượng quốc gia và thực hiện chủ trương năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời xác định thúc đẩy chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là xu hướng lớn mang tính toàn cầu.

 

Điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng được kỳ vọng sẽ là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng góp phần giúp nhiều nước trên thế giới đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050 (NZE2050), trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất các nước của khu vực với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất khoảng 512 GW.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tính đến cuối 2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hòa lưới với tổng công suất lắp đặt khoảng 4,2 GW; đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW, điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi của chúng ta là rất lớn, hoàn toàn bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai. Hiện nay, nhiều tổ chức tài chính toàn cầu đã ưu tiên cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Các quốc gia mà ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã phát triển cho thấy mức độ đầu tư cao vào công nghệ của ngành này.

Tuy nhiên, hiện điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam và gặp một số khó khăn, chưa nhiều chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.  

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận được các đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia, việc phát triển điện gió ngoài khơi là phù hợp với định hướng phát triển bền vững kinh tế biển theo nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám BCH TW Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng Cacbon bằng 0 vào năm 2050…

Tuy nhiên, tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ chưa quy định về hồ sơ, tài liệu; chưa quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận, … dẫn đến còn lúng túng cho cả cơ quan nhà nước khi giải quyết và tổ chức, cá nhân; còn có cách hiểu khác nhau trong quá trình giải quyết đề xuất của một số tổ chức có yếu tố nước ngoài, tổ chức nước ngoài.

Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất các nước của khu vực

Ngoài ra, còn một số vướng mắc như chưa có quy định cụ thể về diện tích khu vực đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư số 02/2019/TT-BCT: “Diện tích này chỉ được phép sử dụng cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu như xây dựng cột đo gió, khảo sát địa chất, địa hình” do tổ chức, cá nhân đề xuất và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được nêu tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 02/2019/TT-BCT.

Mặt khác, thực tế cho thấy, nhiều đề xuất của tổ chức, cá nhân có diện tích khảo sát lên đến hàng nghìn ha và có vị trí xa bờ là khó khăn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động trong trường hợp chấp thuận khi tổ chức, cá nhân thực hiện đo gió, khảo sát địa chất, địa hình ngoài khơi.

Bộ TN&MT đã báo cáo và được cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương sửa đổi Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và quy định liên quan khác, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện gió ngoài khơi phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi; sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về Phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục