,

Hướng tới cuộc chuyển đổi xanh

Chuyển đổi năng lượng góp phần đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 hay phát triển các sản phẩm xanh trong ngành du lịch là những bước đi “hòa nhịp” với cuộc chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.

 

* Chuyển đổi năng lượng góp phần giảm phát thải

Bộ Công Thương vừa hoàn thành việc lập Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo Bộ Công Thương, một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược giai đoạn tới là phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trong bối cảnh thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ Công Thương đặt mục tiêu, đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN. Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu xăng dầu cả nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng sau năm 2030. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 - 15 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 20 tỷ m3 vào năm 2045.

Cùng với đó, tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 - 9% vào năm 2030 và khoảng 14 - 20% vào năm 2045; Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 20% vào năm 2030, lên mức 70% vào năm 2045.

Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần vào mục tiêu giảm phát thải. Ảnh: Nguồn: Internet

* Du lịch xanh gắn với năng lượng sạch

Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có xu hướng chọn cơ sở lưu trú và các dịch vụ, hàng hóa thân thiện với môi trường, có nhãn sinh thái.

Do vậy, ngành du lịch hướng tới phát triển bền vững dựa trên nền tảng khai thác các nguồn tài nguyên một cách hợp lý và hiệu quả, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, ít phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa…

Quan điểm này cũng được thể hiện rõ ràng trong Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 về việc “Khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính”.

Chiến lược cũng xác định “phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Việt Nam cũng chú trọng phát triển du lịch xanh bền vững, coi điện năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo là một phần quan trọng giúp phát triển du lịch xanh, với các việc làm cụ thể là lắp đặt điện năng lượng tái tạo, phổ biến nhất là năng lượng mặt trời tại cơ sở dịch vụ lưu trú …

Riêng năm 2023, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia là “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Theo đó, xác định hướng đi của ngành du lịch năm nay tập trung vào các sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống, hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác phát triển bền vững.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục