,

Amazon đầu tư năng lượng tái tạo trên khắp thế giới để sớm đạt mục tiêu net-zero

Năm 2019, Amazon đặt mục tiêu toàn bộ các hoạt động toàn cầu của mình, bao gồm trung tâm dữ liệu, tòa nhà công ty, cửa hàng tạp hóa và trung tâm xử lý đơn hàng, sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030. Ngày 1/8, tập đoàn Amazon tuyên bố, mục tiêu này đã đạt được trước thời hạn 7 năm.
 

Amazon hỗ trợ gần 1,7 GW công suất trên sáu trang trại gió ngoài khơi ở châu Âu.

Trong năm 2023, tất cả điện năng tiêu thụ trong các hoạt động của Amazon, bao gồm hoạt động vận hành các trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp này, đều sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Amazon đạt mục tiêu 100% năng lượng tái tạo sớm hơn 7 năm

Để làm được điều này, tập đoàn đã trở thành doanh nghiệp mua năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới trong bốn năm liên tục (theo Bloomberg NEF), đồng thời đầu tư hàng tỷ USD vào hơn 500 dự án điện mặt trời và điện gió trên toàn cầu, với tổng công suất đủ cung cấp điện cho tương đương 7,6 triệu hộ gia đình ở Mỹ.

Việc sớm đạt được mục tiêu này đánh dấu một mốc quan trọng trong nỗ lực của Amazon nhằm đáp ứng Cam kết Khí hậu về phát thải ròng bằng không (net-zero carbon) vào năm 2040.

Hướng tới tương lai, Amazon tiếp tục cam kết thực hiện mục tiêu này, tuy nhiên trong vài năm gần đây, lộ trình này đang có những thay đổi khó có thể dự báo, chủ yếu do nhu cầu ngày càng tăng về AI tạo sinh.

Để thực hiện cam kết này đòi hỏi những nguồn năng lượng khác với dự kiến ban đầu, vì vậy Amazon sẽ cần phải linh hoạt và không ngừng điều chỉnh cách tiếp cận thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Đồng thời với việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để bổ sung công suất năng lượng tái tạo đáng kể vào danh mục, Amazon cũng đang khám phá các nguồn năng lượng mới không chứa carbon có thể bổ sung cho năng lượng tái tạo và cân bằng nhu cầu của mình.

Ngay từ đầu, tập đoàn đã hiểu rằng con đường hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không sẽ gặp nhiều trở ngại và cần phải điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi trong hoạt động kinh doanh của mình và toàn thế giới. Tuy nhiên, giống như đối với tất cả các mục tiêu dài hạn khác, Amazon vẫn lạc quan và tập trung vào việc đạt được mục tiêu đó.

Giám đốc phát triển bền vững của Amazon, Kara Hurst cho biết: “Đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo là một thành tựu đáng kinh ngạc và chúng tôi tự hào về những gì mình đã làm để hoàn thành mục tiêu này sớm 7 năm".

Tuy nhiên, bà Kara Hurst cũng cho hay: "Chúng tôi hiểu rằng đây chỉ là một bước thành công tại một thời điểm, và công việc loại bỏ carbon trong hoạt động của chúng tôi sẽ có điều chỉnh phù hợp trong từng năm. Chúng tôi sẽ nỗ lực tiến bộ, đồng thời không ngừng thay đổi trên lộ trình hướng đến mục tiêu năm 2040".

Theo bà Kara Hurst, Amazon vẫn đầy khát vọng và tiếp tục làm những điều đúng đắn cho hoạt động kinh doanh của mình, khách hàng và cho hành tinh này. Do đó, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án điện mặt trời và gió, đồng thời hỗ trợ các dạng năng lượng phi carbon khác, như hạt nhân, lưu trữ pin và các công nghệ mới có thể giúp cung cấp năng lượng cho các hoạt động của mình trong những thập kỷ tới.

Ông Kyle Harrison, Trưởng bộ phận nghiên cứu bền vững tại BloombergNEF, cho biết: “Khi đạt được mục tiêu 100% năng lượng tái tạo, Amazon đã hỗ trợ xây dựng hàng trăm dự án điện mặt trời và gió mới, mang lại nguồn năng lượng sạch mới cho lưới điện và các cộng đồng trên toàn thế giới.

Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đồng thời cân bằng nhu cầu năng lượng tăng vọt của xã hội là một thách thức lớn, và cam kết của Amazon về năng lượng sạch đã khẳng định cách một doanh nghiệp có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp trên quy mô toàn cầu như thế nào”.

Những dự án năng lượng tái tạo trên khắp thế giới của Amazon

Kể từ năm 2019, Amazon đã triển khai các dự án năng lượng tái tạo ở 27 quốc gia. Hơn nữa, Amazon là tập đoàn đầu tiên triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở Ấn Độ, Hy Lạp, Nam Phi, Nhật Bản và Indonesia, cùng các quốc gia khác.

Để thực hiện được điều này, Amazon đã hợp tác với các nhà hoạch định để đưa ra các chính sách đặc thù nhằm giúp các tập đoàn hỗ trợ xây dựng các dự án điện mặt trời và điện gió mới ở các quốc gia này. Việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng đã được đưa vào các hoạt động vận hành khác của Amazon.

Trụ sở HQ2 của Amazon ở bang Virginia được thiết kế để hoạt động với lượng khí thải carbon vận hành bằng không, và lượng điện tiêu thụ của trụ sở này do một trang trại điện mặt trời tại bang đó cung cấp.

Ngoài các dự án ở quy mô công ty điện lực, Amazon cũng đã triển khai gần 300 dự án điện mặt trời tại chỗ trên mái nhà và tại cơ sở của các trung tâm thực hiện đơn hàng, các cửa hàng Whole Foods Market và các tòa nhà khác trên khắp thế giới của Amazon.

Tổng cộng, tất cả các dự án năng lượng tái tạo của Amazon khi đi vào hoạt động sẽ giúp tránh phát thải khoảng 27,8 triệu tấn carbon mỗi năm.

Tăng cường cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Cho đến nay, Amazon đã hỗ trợ hơn 80 dự án năng lượng tái tạo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 50 dự án tại Ấn Độ và các dự án ở các quốc gia khác như Australia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Hàn Quốc.

Cụ thể tại Nhật Bản, Amazon công bố dự án điện mặt trời độc lập với quy mô công ty điện lực và dự án trang trại điện gió trên đất liền đầu tiên của mình, chẳng hạn dự án điện gió 33 MW ở Rokkasho, tỉnh Aomori, cũng như một trang trại điện mặt trời 9,5 MW ở Kudamatsu, tỉnh Yamaguchi.

Amazon là đối tác mua điện lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng cộng 20 dự án được thực hiện cho đến nay. Các dự án này bao gồm 14 dự án điện mặt trời tại chỗ trên nóc các tòa nhà của Amazon và sáu dự án điện mặt trời và điện gió bên ngoài cơ sở.

Amazon cũng tham gia thành công trong lần đấu giá điện gió ngoài khơi đầu tiên của Nhật Bản. Trong khi tại Nhật Bản ngày càng có nhiều dự án điện mặt trời, và đã chiếm gần 10% trong cơ cấu năng lượng của Nhật Bản vào năm 2022, thì địa hình 70% là đồi núi ở quốc gia này hạn chế khả năng xây dựng các dự án năng lượng quy mô lớn do thiếu không gian.

Điều này giải thích cho sự thành công tại Nhật Bản của các dự án điện mặt trời tổng hợp, là các dự án trong đó nhiều dự án nhỏ phân tán được tổ hợp thành một hợp đồng mua bán điện (PPA) lớn hơn.

Vào năm 2021, Amazon đã triển khai dự án điện mặt trời tổng hợp quy mô có hợp đồng PPA đầu tiên tại Nhật Bản. Kể từ đó, Amazon đã hợp tác với các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản cùng các bên liên quan về chính sách để giúp bổ sung các lựa chọn mua bán năng lượng tái tạo cho tập đoàn tại quốc gia này.

Tại Singapore, Amazon đã đầu tư vào hai dự án năng lượng tái tạo – dự án điện mặt trời công suất 62 megawatt (MW) với EDPR, và dự án một dự án 17,6 MW với Sembcorp. Hai dự án này sẽ tạo ra đủ năng lượng tái tạo để cung cấp cho gần 20.000 hộ gia đình ở Singapore mỗi năm. Amazon là đối tác mua điện chính của cả hai dự án này.

Dự án EDPR 62 MW được hình thành từ các dải tấm pin mặt trời gắn trên hệ thống mặt đất. Lợi ích của hệ thống điện mặt trời lắp trên mặt đất là khả năng định vị hệ thống để tiếp nhận tối ưu ánh nắng khi điều kiện thời tiết thay đổi.

Dự án Sembcorp, hiện đang hoạt động và đóng góp vào lưới điện cơ sở, có 33.580 tấm pin mặt trời được lắp đặt tại hai địa điểm. Trang trại này có tính cơ động cao nên có thể được đóng gói thu dọn trong vòng bốn tháng và chuyển sang lắp đặt tại một địa điểm khác trong hai tháng.

Hệ thống này cũng được tích hợp hệ thống thu gom nước mưa, có thể thu thập và xử lý tới 170.000 m3 nước mưa hàng năm, tương đương với lượng nước của 68 bể bơi chuẩn Olympic.

Hiện đại hóa lưới điện để cung cấp năng lượng phi carbon mới

Một hạng mục đầu tư quan trọng vào năng lượng tái tạo của Amazon là hiện đại hóa lưới điện để cung cấp điện từ các dự án điện mặt trời, điện gió và các dự án năng lượng phi carbon mới khác cho người dùng.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào năm 2040 thế giới cần phải bổ sung hoặc thay thế 80 triệu km lưới điện nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu, và tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo đang chờ triển khai trên toàn cầu hiện đạt 1.500 GW.

Để giúp giải quyết vấn đề này, các đội nhóm của Amazon đang hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng để tìm ra những phương pháp mới hỗ trợ hiện đại hóa lưới điện, loại bỏ các trở ngại về cấp phép và triển khai các công nghệ cải tiến lưới điện.

Amazon cũng là đồng sáng lập liên minh khách hàng mua điện Emission First Partnership, với nhiệm vụ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo ở những khu vực có lưới điện chủ yếu bao gồm các nguồn hóa thạch.

Hiện nay trên khắp thế giới, đội ngũ của Amazon đang thực hiện các dự án tương tự. Không hề dễ dàng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong điều kiện hoạt động vô cùng đa dạng và phức tạp của Amazon. Nhưng Amazon chấp nhận những thách thức khó khăn và tự hào về những tiến bộ đã đạt được.

Theo Báo Tuyên Quang Online

Tin cùng chuyên mục