,

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất

Theo ông Đỗ Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2015 đến nay, Sở thực hiện 55 đề tài, dự án khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh phê duyệt. Các đề tài, dự án này đã nghiên cứu thành công, đưa ra nuôi, trồng đại trà các loại giống cây, con mới; áp dụng công nghệ chế biến và bảo quản nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

 

Thành công của dự án xây dựng và phát triển thương hiệu (nhãn hiệu tập thể) trâu Chiêm Hóa (Chiêm Hóa) góp phần làm tăng giá trị tích lũy và phát triển thương hiệu. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” phối giống cho 150 trâu cái nền trên địa bàn huyện Chiêm Hóa và Sơn Dương để cho sinh sản được 30 con nghé con có khối lượng nghé sơ sinh cao hơn từ 5-10% so với khối lượng trung bình nghé sơ sinh hiện tại của địa phương. Hay dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để phát triển chăn nuôi gia cầm phù hợp với điều kiện xã Tân Trào (Sơn Dương) góp phần nâng cao nhận thức cho người nông dân về vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.


Phục tráng giống lúa đặc sản Khẩu pái và Khẩu lường ván tại xã Yên Thuận (Hàm Yên).

Việc thực hiện nối tiếp các đề tài “Nghiên cứu nhân giống, xây dựng mô hình trồng cây xạ đen cung cấp nguồn dược liệu tại tỉnh tuyên Quang” quy mô 3.000 cây tại xã Phú Lâm (Yên Sơn) và đề tài nghiên cứu, sản xuất trà thảo dược từ cây xạ đen tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm góp phần phát triển nguồn dược liệu quý, tiến tới tạo ra sản phẩm trà thảo dược túi lọc từ cây xạ đen để cung cấp cho Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm phục vụ khách du lịch, người dân trên địa bàn tỉnh... 

Các dự án nghiên cứu ứng dụng chất giữ ẩm và đề xuất kỹ thuật sử dụng cho đất trồng chè; tuyển chọn giống, trồng, thâm canh và chế biến chè Shan ở xã Sinh Long (Na Hang)... giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước đưa sản phẩm chè Shan trở thành sản phẩm thế mạnh, thương hiệu của tỉnh. 

Các dự án khoa học công nghệ đã góp phần khôi phục, nhân giống các giống cây con đặc sản khác của tỉnh như cá Rầm xanh, Anh vũ; bảo tồn nguồn gen quý của giống vịt Minh Hương (Hàm Yên); phục tráng thành công 100 kg giống lúa Khẩu pái và Khẩu lường ván siêu nguyên chủng. Các giống lúa này hiện đã được bàn giao cho huyện Hàm Yên và huyện Na Hang gieo trồng, nhân rộng trong vụ mùa 2017. Đây là cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà và phát huy lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu các giống lúa đặc sản của tỉnh.

Từ các kết quả nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh, chủ lực của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang đăng ký nhãn hiệu cho trên 30 sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh. Có 10 tổ chức, cá nhân đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu…


TQĐT

Tin cùng chuyên mục