,

Ứng dụng khoa học công nghệ mới vào việc trồng rừng ở Tuyên Quang

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng và thâm canh cây keo”. Dự án thực hiện tại 6 thôn: Đồng Đài, Đồng Măng, Đèo Khế, Thôn Trầm, Khuôn Rèm, Đồng Diễn, xã Hợp Thành (huyện Sơn Dương), với sự tham gia của 35 hộ dân, trên diện tích trồng là 100 ha keo lai. 

Ban quản lý dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây keo cho các hộ dân, với mật độ trồng 1.100 cây/ha, cuốc hố vuông 40 cm cộng với quy trình xử lý thực bì thích hợp, bón phân cân đối gồm bón lót và bón thúc, kết hợp với phun thuốc diệt cỏ trong 3 năm đầu (cách truyền thống bón lót là chủ yếu), qua đó để nâng cao sức sinh trưởng của cây keo trong giai đoạn đầu khi cây còn non. Từ năm thứ 3 trở đi sẽ tiến hành tỉa thưa dần, keo được 5 năm tuổi chỉ để lại 600 cây/ha và sau 10 năm tuổi mới tiến hành khai thác... Theo tính toán của Trung tâm Thực nghiệm giống cây trồng (Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên), trồng theo mô hình mới này, hiệu quả kinh tế đạt 180 m3/ha/10 năm, tăng 40% so với trồng theo mô hình truyền thống.  

Tỉnh Tuyên Quang có gần 446 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên. Năm 2010, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu trồng mới 14.500 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh lên gần 60 nghìn ha, độ che phủ lên 64,7%. Tuy nhiên, việc trồng rừng chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao, do vậy, việc thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng và thâm canh cây keo” thành công sẽ có vai trò rất quan trọng, tăng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ trên địa bàn tỉnh và nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó giúp người dân có thể yên tâm sống và tiến tới làm giàu từ rừng. Ngoài ra, việc thực hiện dự án còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường. 

Tin cùng chuyên mục