,

Từng bước xây dựng nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại

Trong năm 2017, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.

 

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, trong năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh giao. Trong đó, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các Trang Thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã bám sát định hướng của tỉnh tạo môi trường giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Thực hiện tốt việc đưa tin, bài phản ánh các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế; công bố các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh; các thông tin tuyển dụng, đào tạo; công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, văn bản đi, đến của các sở, ban, ngành và đăng tải các dịch vụ công trực tuyến.
 


Cán bộ Bộ phận một cửa của UBND huyện Hàm Yên hướng dẫn công dân tra cứu thông tin
về thủ tục hành chính trên máy tính trực tiếp tại nơi giao dịch. (Ảnh: Nguồn Internet)

 
Tính đến hết ngày 30/10/2017, trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp 484 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (trong đó mức độ 3 là 470 dịch vụ, mức độ 4 là 14 dịch vụ). Dự kiến đến hết năm 2017, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến theo quy định theo Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 28/8/2017, về Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 năm 2017 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017.

Bên cạnh một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống một cửa điện tử như: Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp (sử dụng theo hệ thống của Bộ Tư pháp); Sở Kế hoạch và Đầu tư (sử dụng theo hệ thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Sở Giao thông vận tải (sử dụng theo hệ thống của Bộ Giao thông vận tải); UBND huyện Hàm Yên,... Trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước khác sẽ chính thức đưa phần mềm một cửa điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình vào phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 Trung tâm hành chính công (UBND Thành phố Tuyên Quang và UBND huyện Chiêm Hóa), được thành lập vào tháng 4/2017. Sau khi đi vào hoạt động đã tạo được sự hài lòng của nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính. Việc ứng dụng CNTT và sử dụng các phần mềm chuyên ngành tại Trung tâm hành chính công đã góp phần giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, hiệu quả và chính xác, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động.

Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tới 100% các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và một số xã, phường, thị trấn để phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành tại các cơ quan, đơn vị. Hệ thống được kết nối và liên thông 4 cấp, từ Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh đến các sở ban ngành, UBND huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đang thực hiện Kế hoạch triển khai ứng dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2017-2020. Tiến hành xây dựng phần mềm tích hợp chữ ký số vào Phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành công việc của các cơ quan nhà nước, dự kiến tới cuối năm 2017, sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Các cơ quan nhà nước tích cực sử dụng các Cơ sở dữ liệu (CSDL) để phục vụ công việc chuyên môn, như: Hệ thống thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia; CSDL cán bộ công chức, CSDL Thi đua khen thưởng, CSDL HS chức sắc, chức việc tôn giáo, CSDL cơ sở thờ tự tôn giáo, CSDL Tài liệu lưu trữ; CSDL Sở hữu trí tuệ, CSDL đề tài, dự án; CSDL Pháp luật; CSDL Lý tịch tư pháp; CSDL Thủ tục hành chính; CSDL thu - chi ngân sách; CSDL đất đai, CSDL chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường; … Việc sử dụng các Hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành đã hỗ trợ chức năng xử lý dữ liệu trong giao dịch và lưu trữ; Sử dụng cơ sở dữ liệu thống nhất, có nhiều chức năng xử lý dữ liệu; Cung cấp đầy đủ thông tin để các cơ quan quản lý nhà nước truy cập và cung cấp dữ liệu; Đảm bảo an toàn và toàn vẹn dữ liệu;… qua đó giúp cho việc quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh được khoa học, đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện các Thủ tục hành chính.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh đang dần được hoàn thiện, tạo điều kiện để triển khai ứng dụng CNTT, số lượng cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng. Tính đến nay, 100% các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã có mạng LAN để chia sẻ và trao đổi tài nguyên, với 1.835/1.931 cán bộ, công chức được trang bị máy tính kết nối Internet băng thông rộng để khai thác và trao đổi thông tin (trong đó: tại các sở, ban, ngành là 1.125/1.228 máy tính; tại các huyện, thành phố là 710/761 máy tính). 100% cơ quan, đơn vị thực hiện trao đổi, tra cứu, khai thác thông tin trên môi trường mạng.
 


Tập huấn sử dụng Hệ thông Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Tuyên Quang
cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

 
Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh đã được đầu tư và đang sử dụng đường truyền Mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng và Nhà nước để kết nối 28 điểm cầu tại các sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm. 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo tin học và ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thành thạo máy tính trong công việc. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin là một trong những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Ứng dụng và phát triển CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả khả quan, công tác hỗ trợ công tác chuyên môn ngày càng có chiều sâu và đem lại hiệu quả; công tác quản lý điều hành ngày càng được nâng cao và có chuyển biến tốt, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước, trong giao dịch của cơ quan nhà nước với tổ chức và cá nhân ngày càng tăng; hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính và bảo đảm công khai, minh bạch... Nhìn chung, hạ tầng CNTT của tỉnh về cơ bản đảm bảo với yêu cầu ngày càng cao của thực tế; các ứng dụng dùng chung đã bắt đầu được triển khai thực hiện; công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và đào tạo nguồn nhân lực dần được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Hoạt động của Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đã dần đi vào ổn định, cung cấp các thông tin hoạt động, chỉ đạo, điều hành của tỉnh và của các cơ quan, đơn vị tới người dân và doanh nghiệp.

Cùng với những kết quả đã đạt được, trong năm 2018, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với quá trình cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, góp phần xây dựng một nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở, thúc đẩy xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.

tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục