,

Tập trung đầu tư phát triển năng lượng tái tạo

Cùng với sự phát triển về kinh tế, nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng, trong khi nguồn năng lượng trong nước như than, dầu khí… đang dần cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc đưa ra chiến lược phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực định hướng cơ chế thị trường cho phát triển NLTT ở Việt Nam; mục tiêu phát triển NLTT đến năm 2025 của cả nước phấn đấu cung cấp năng lượng từ NLTT: 3% vào năm (2015), 5% (2020) và 8% (2025). Phát điện từ NLTT tương đương 7 tỷ kWh (2020) và 20 tỷ kWh (2025).

Còn nhiều tiềm năng

Năng lượng tái tạo (NLTT) đóng vai trò quan trọng trong tổng tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, hộ gia đình. Có tới 70% dân số nông thôn sử dụng NLTT từ sinh khối như đốt rơm, rạ, trấu, vỏ cà phê để đun nấu trong gia đình. Thuỷ điện nhỏ và NLTT khác cung cấp khoảng 1,3 tỷ kWh (2008); trên một triệu thiết bị khí sinh hoá phân huỷ sẽ cung cấp khoảng 65KTOE/năm, tương đương với 0,75 tỷ kWh; năng lượng mặt trời tiết kiệm được khoảng trên 36 đến 45 triệu kWh/năm và chủ yếu dùng vào việc đun nấu. Giai đoạn tới, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng thế giới do các nhà máy thuỷ điện lớn cơ bản đã đưa vào khai thác hết, nguồn khí và than nội địa có giới hạn. Hiện tại, NLTT đang được sử dụng nhưng vẫn chỉ tập trung ở một số hộ gia đình nông thôn, chủ yếu dùng vào mục đích đun nấu. Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, đánh giá: Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển NLTT từ năng lượng mặt trời, gió, điện, sinh khối, khí hoá, sinh hoá… so với tiềm năng thì khai thác NLTT vẫn còn ở mức khiêm tốn, ví như điện tái tạo chiếm 1,8% năm 2007 trong tổng sản xuất điện quốc gia, nhiệt tái tạo và năng lượng sinh học thì không đáng kể và hầu như chưa có trên thị trường.

Ngoài ra, đối với thuỷ điện nhỏ, hiện nay cũng mới chỉ khai thác được 300MW/4000MW tiềm năng, năng lượng mặt trời trên một m2: 1,5MW/5kWh tiềm năng; năng lượng gió với nhiều dự án gần 1000MW thì ta chỉ thu được 1,5MW/8% diện tích. Đối với NLTT từ địa nhiệt, thuỷ triều, rác thải sinh hoạt, hay nhiên liệu sinh học như xăng sinh học, diezel sinh học (có thể khai thác từ sắn, ngô, dầu nấu ăn, mỡ cá tra/basa và cây có dầu khác) thì hầu như chưa khai thác được nhiều. Hiện nay vẫn còn khoảng 800 nghìn hộ nghèo vùng sâu vùng xa thuộc vùng ngoài lưới chưa có điện và đang được xem xét mở rộng lưới điện sử dụng pin mặt trời, sức gió…

Cần có cơ chế chính sách đủ mạnh

Theo ông Cường, việc phát triển NLTT bền vững đang gặp phải những khó khăn trở ngại như thuỷ điện nhỏ chủ yếu là các dự án nhỏ, không nối lưới trong khi đó giá than nội địa thấp so với giá than xuất khẩu hoặc nhập khẩu; đối tượng sử dụng NLTT chủ yếu thuộc vùng sâu, xa có thu nhập thấp, hạn chế khả năng chi trả. Hơn nữa, về cơ chế, chính sách cũng chưa đủ mạnh, thiếu biện pháp cụ thể; cơ quan điều hành chung về NLTT lại phân tán trong các bộ, ngành, cơ quan…

Vì vậy, để giải quyết những khó khăn và thúc đẩy NLTT phát triển hơn nữa, ngoài việc phát triển nguồn nhân lực và thị trường công nghệ, hỗ trợ đầu tư và chính sách giá thì chúng ta cần thành lập cơ quan quản lý và điều hành chung phát triển NLTT. Bên cạnh đó cũng cần thành lập quỹ phát triển NLTT để hỗ trợ kinh phí phát triển NLTT (từ Nhà nước hoặc khách hàng sử dụng năng lượng) và xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển thị trường công nghệ: miễn thuế nhập khẩu thiết bị NLTT, phát triển và hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu (năng lượng gió, sinh khối). Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế chính sách đủ mạnh, tối đa hóa doanh thu từ bán chứng chỉ giảm phát thải nghiên cứu giảm giá thành, cần luận cứ làm rõ ai là người trả mức phụ trội cho NLTT. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các ưu đãi cao nhất, miễn thuế nhập khẩu thiết bị NLTT cũng như cần nguồn kinh phí để phát triển NLTT được lớn mạnh hơn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hiện nay cũng như mai sau. Theo các chuyên gia, việc cần thiết phát triển NLTT trong thời điểm hiện nay nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn sắp tới là việc làm rất quan trọng. Song, cách tiếp cận thích hợp nhất là làm từng bước, đặc biệt với việc thử nghiệm và sửa chữa sai sót để tránh chi phí quá lớn.

Tin cùng chuyên mục