,

Khám phá bí ẩn sóng thần Mặt trời

Quỹ đạo độc đáo của tàu vũ trụ đôi STEREO cho phép các nhà khoa học khẳng định sự tồn tại các sóng thần trên Mặt trời.

Đôi khi bạn thực sự có thể tin vào mắt mình. Đó là thông điệp mà Trạm quan sát Trái đất Mặt trời (STEREO-Solar Terrestrial Relations Observatory) của NASA đang nói với các nhà nghiên cứu về hiện tượng gây tranh cãi trên Mặt trời, được gọi là “sóng thần mặt trời”(solar tsunami).

Vài năm trước, các nhà vật lý thái dương đã không mấy tin vào mắt mình khi lần đầu chứng kiến một đợt sóng  plasma nóng cao chót vót vọt qua bề mặt Mặt trời. Quy mô của con sóng đã làm họ kinh ngạc. Nó nhô lên cao hơn cả bản thân Trái đất và tạo sóng từ điểm trung tâm vòng tròn với chu vi hàng triệu km. Những nhà quan sát hoài nghi cho rằng đó có thể là hình bóng chứ không chắc là đợt sóng thực sự.

"Giờ đây chúng ta biết rằng sóng thần trên Mặt trời là có thực”, Joe Gurman thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Thái dương của NASA, cho biết. Cặp tàu vũ trụ STEREO đã khẳng định tính xác thực này vào tháng Hai 2009 khi vết đen mặt trời 11012 bất ngờ bùng phát. Đợt phun trào tuôn ra đám mây khí hàng tỷ tấn vào vũ trụ và tạo ra sóng thần chạy qua bề mặt Mặt trời. STEREO đã ghi lại được đợt sóng này từ 2 vị trí cách nhau 90o, cung cấp cho các nhà nghiên cứu hình ảnh của sự kiện chưa từng thấy này.

"Đó thực sự là sóng, không phải sóng nước mà là đợt sóng khổng lồ plasma và từ”, Spiros Patsourakos tác giả bài báo về phát hiện này được đăng trên Tạp chí Thiên văn học (Astrophysical Journal Letters), cho biết.

Tên kỹ thuật của nó là “sóng động thủy từ nhanh" (fast-mode magnetohydrodynamical wave) hay viết gọn là “sóng MHD". Một trong hai trạm quan sát STEREO đã ghi nhận nó cao khoảng 100.000 kilomet, di chuyển với vận tốc 250 km/giây, và chứa một năng lượng tương đương 2400 triệu tấn TNT. Sóng thần trên Mặt trời không đe dọa trực tiếp đến Trái đất, nhưng nó quan trọng cho công tác nghiên cứu. Các nhà khoa học có thể sử dụng nó để dự báo các điều kiện trên Mặt trời.

Mang TTKH&CN Viet Nam

Tin cùng chuyên mục