,

KH&CN có những đóng góp quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Hội thảo “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức sáng ngày 25/10 tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là Hội thảo khoa học nhằm phục vụ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các Viện nghiên cứu, các Trường đại học; các cơ quan thực hiện đề tài và các Chủ nhiệm đề tài; các chuyên gia, nhà khoa học.
 
Nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH được áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu nhân rộng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, nhận thức được chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”. Sau đó, ngày 23/01/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI nhằm xây dựng kế hoạch tổng thể, hành động kịp thời trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội thảo
 
Thực hiện Nghị quyết nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương phê duyệt và tổ chức triển khai nhiều Chương trình KH&CN cấp quốc gia như: các Chương trình trọng điểm cấp Quốc gia mã số KC.08, KC.09 giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số KC.05/11-15; Chương trình KH&CN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản; Chương trình KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020”.
 
“Kết quả nghiên cứu đã đề xuất được nhiều giải pháp, mô hình tích hợp thích ứng, giảm nhẹ BĐKH ở nước ta; sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị thông minh với BĐKH. Nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH được áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới.” – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
 

TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Chánh Văn phòng Chương trình KH&CN BĐKH/16-20 phát biểu tại Hội thảo
 
Trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT

Để tiếp tục khẳng định vai trò của KH&CN trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Hội thảo trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu đối với vấn đề “KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT” từ đó đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, nâng cao chất lượng để hội nhập trong khu vực và trên thế giới nhằm ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT trong phạm vi đất nước và trên toàn cầu.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá: sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, vai trò của KH&CN đã được khẳng định, đã có những đóng góp nhất định phục vụ phát triển kinh tế đất nước, BVMT và ứng phó với BĐKH.
 
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhận định, các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra Việt Nam bị tổn thương mạnh do BĐKH, nước biển dâng, suy giảm lưu lượng dòng chảy sông từ thượng nguồn. Đây là cơ sở khoa học, thực tiễn tin cậy để đề xuất các giải pháp, các mô hình tích hợp thích ứng, giảm nhẹ BĐKH ở nước ta. Đồng thời, các kết quả nghiên cứu đã có nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH được áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu, nhân rộng trong thời gian tới.
 

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Hội thảo
 
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho biết thêm, Nghị quyết 24-NQ/TW đã đề ra giải pháp về KH&CN là “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT”. Trong 5 năm qua, các Bộ ngành, các cơ quan nghiên cứu đã thực hiện các nội dung giải pháp đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ, gồm: (i) Phát triển mạnh các chuyên ngành khoa học về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tái chế chất thải, vật liệu mới, vũ trụ; (ii) Đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp; (iii) Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; (iv) Xây dựng và thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước phục vụ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 24-NQ/TW.
 
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì triển khai Chương trình KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH. Các kết quả nhiên cứu KH&CN đã có những đóng góp tích cực cho ứng phó, thích ứng với BĐKH.
 

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo
 
 
Một số đóng góp của khoa học và công nghệ cho ứng phó, thích ứng với BĐKH

+ Xây dựng được mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn góp phần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai trong bối cảnh BĐKH bằng các công nghệ hiện đại;

+ Cập nhật kịch bản và nâng cao độ tin cậy BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam và vùng ĐBSCL (hai kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5), làm cơ sở cho phê duyệt Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam phiên bản năm 2016;

+ Đánh giá tác động, tổn thương đến các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, đậu tương, mía, thủy sản theo kịch bản BĐKH;

+ Đánh giá được tác động của BĐKH đối với tài nguyên nước, tài nguyên đất, xây dựng được bản đồ ngập đối với các loại quỹ đất, xu thế diễn biến mặn theo không gian và thời gian ở ĐBSCL;

+ Xây dựng được bộ chỉ số theo dõi, đánh giá hiệu quả các chính sách và hoạt động thích ứng với BĐKH, áp dụng thí điểm trong quản lý ở Cần Thơ, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho địa phương;

+ Xây dựng một số mô hình canh tác nông nghiệp (cho lúa, mía, lạc); kế hoạch sử dụng đất thích ứng với BĐKH (thí điểm cho An Giang và Bạc Liêu);

+ Xây dựng mô hình đô thị ven biển thích ứng với BĐKH, mô hình làng sinh thái ở ĐBSCL thích ứng với BĐKH (thí điểm tại Cà Mau);

+ Đề xuất giải pháp về chính sách, quản lý gồm: khung chính sách định hướng cho giảm phát thải và các điều kiện cho giảm phát thải khí nhà kính, ưu tiên, ưu đãi cho các ngành dịch vụ và công nghiệp các bon thấp;

+ Đề xuất nhóm giải pháp công nghệ: áp dụng các công nghệ chuyển nước mặn thành nước ngọt, các công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nhiên liệu.
 
 
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
Các tham luận, báo cáo tiêu biểu được trình bày và thảo luận tại Hội thảo tập trung vào Cơ sở khoa học về xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH (do PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trình bày); Nghiên cứu xây dựng mô hình ven biển có khả năng thích ứng với BĐKH (do PGS.TS Trần Mạnh Liễu, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày); Ứng dụng KH&CN trong ứng phó, giảm thiểu với BĐKH đối với lĩnh vực nông nghiệp (do PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện Môi trường Nông nghiệp trình bày); Nghiên cứu KH&CN phục vụ BVMT và phòng tránh thiên tai góp phần giải quyết các vấn đề lớn và cấp thiết từ yêu cầu của thực tiễn (do PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20 trình bày); Sự biến động tài nguyên nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp bảo vệ khai thác hợp lý (do PGS.TS. Đoàn Văn Cánh, Hội địa chất thủy văn Việt Nam trình bày).
 
Trên cơ sở các kết quả cụ thể đã đạt được của các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai chủ trương, đường lối của Đảng theo Nghị quyết số 24-NQ/TW; gắn việc triển khai các đề tài cụ thể của các chương trình KH&CN cấp quốc gia với việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
 

Toàn cảnh Hội thảo sáng ngày 25/10
 
Tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, các nhà khoa học, phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có báo cáo gửi Ban chấp hành Trung ương; đồng thời, sẽ tiếp tục ưu tiên các chương trình KH&CN cấp quốc gia liên quan đến ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT để các chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu; thực hiện tốt theo định hướng “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT” tại Nghị quyết số 24-NQ/TW.
 

monre.gov.vn

Tin cùng chuyên mục