,

Hoàn thiện chính sách, hỗ trợ nhà đầu tư phát triển điện gió

Phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới là một trong 6 ngành kinh tế biển đã được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về biển, hải đảo, Bộ TN&MT đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, vấn đề hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành thủ tục pháp lý, và vấn đề đề giao khu vực biển.

 

Tại Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì cuối tháng 7 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ TN&MT  mà trực tiếp là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quan trọng về phát triển kinh tế biển bền vững. Điển hình là Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/03/2020 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Nghị quyết số 26/NQ-CP đã cụ thể hóa định hướng phát triển năng lượng tái tạo; liên quan đến điện gió, kế hoạch đến năm 2025 đã xác định: Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng biển mới và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo; phát triển các dự án điện gió tại một số tỉnh có tiềm năng, trước hết là tại các tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau. Nghị quyết đã phân công rõ trách nhiệm các bộ, ngành và địa phương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.

Bộ TN&MT đang tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, trong đó có Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo, và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 theo Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Để phát triển kinh tế biển phải nắm được biển có gì. Bởi thế, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tập trung thực hiện hoạt động điều tra cơ bản, xác định tiềm năng điện gió các vùng biển Việt Nam. Về cấp phép cho tổ chức cá nhân nước ngoài nghiên cứu ở vùng biển Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.

 Liên quan đến vấn đề giao khu vực biển, theo Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi, các tổ chức, cán nhân thực hiện phát triển dự án điện gió cần phải được giao khu vực biển nhất định để sử dụng, khai thác cho mục đích phát triển điện gió.

Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam (ảnh: Vasi.gov.vn)

Việc giao khu vực biển được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Trình tự các bước giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển đã được ban hành dưới dạng Quy trình thuộc thệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ Nghị định số 51/2014/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn. Công việc có liên quan khác là xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để phát triển hài hòa, cân bằng, phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục pháp lý, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang thực hiện liên thông thủ tục hành chính trong tiếp nhận hồ sơ giao khu vực biển của doanh nghiệp để thủ tục hành chính nhanh gọn, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.

Tiềm năng, nhu cầu phát triển điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam rất lớn, đặc biệt là tại các tỉnh Nam Trung Bộ (như Ninh Thuận, Bình Thuận) và các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ (Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Để khai thác được tiềm năng này, Bộ TN&MT cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương.

“Ngoài điện gió trên vùng biển Việt Nam còn có có nuôi trồng và khai thác hải sản, du lịch, hoạt động hàng hải… Vì vậy, để hài hòa lợi ích các ngành đồng thời khai thác được tiềm năng của biển đảo, cần có sự điều hòa thống nhất, có quy hoạch để đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế biển trước mắt và lâu dài”, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.


monre.gov.vn

Tin cùng chuyên mục