,

Đồ mỹ nghệ từ vỏ hạt thóc

Xuất phát từ ý tưởng tìm kiếm nguyên liệu mới thay thế cho gỗ trong làm đồ mỹ nghệ, ông Vũ Xuân Thạnh cùng các đồng nghiệp tại Công ty THHH Tân Lập Phong, Ninh Bình đã sáng tạo ra dòng sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, tận dụng vỏ hạt thóc.

Ý tưởng tìm đến với trấu khi ông Thạnh bắt gặp những thông tin về vỏ trấu dư thừa trôi trên sông ở đồng bằng sông Cửu Long, gây ô nhiễm môi trường. Vậy đây có thể là một loại vật liệu hữu ích? Qua tìm hiểu và thấy rằng, vỏ hạt thóc đảm bảo độ bền chắc, lại có độ bóng, đẹp nên năm 2008 ông quyết tâm nhập dây chuyền tạo tinh bột từ Australia về để thử nghiệm.

Quy trình do các nhà khoa học nghiên cứu là vỏ hạt thóc sau khi lấy ra từ máy xay xát lúa được chuyển tới máy nghiền, qua hệ thống sàng tạo ra tinh bột trấu dưới dạng bột mịn và bột sợi. Tinh bột trấu kết hợp hòa trộn với keo tạo thành một hỗn hợp có thể cho vào khuôn định hình các đồ mỹ nghệ độc đáo. Sau đó qua máy ép thủy lực 1.500 kg định vị khuôn rồi qua lò sấy với nhiệt độ 200oC với thời gian 120 phút, khi ra lò được những mảnh phôi, mảnh ghép. Lúc này cùng với các thao tác kỹ thuật xử lý chống thấm, chà nhám ghép và tạo dáng ta có sản phẩm cốt  có hình dáng và kích thước như ý.

Điều đặc biệt là vỏ hạt thóc có thể thay thế được các nguyên liệu quý hiếm khác như gỗ và đất đang sử dụng phổ biến trong sản xuất đồ nội thất mỹ nghệ của Việt Nam. Sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ nhưng giá thành hạ hơn nhiều so với các sản phẩm từ gỗ. Theo tính toán, dây chuyền chế biến tinh bột trấu chi phí thấp hơn 10 lần so với dây chuyền sản xuất tinh bột gỗ, vì vậy sản phẩm có giá thấp dễ được thị trường chấp nhận hơn.

Ngoài tính hiệu quả về mặt kinh tế, giải pháp còn ảnh hưởng rất lớn đến tính xã hội như hạn chế khai thác gỗ, thu hút nguồn nhân công sản xuất, hay tiêu thụ nguyên liêu cho người nông dân... Trong tương lai, nhiều dòng sản phẩm sáng tạo mới mang chất liệu này hứa hẹn sẽ ra đời với khả năng ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Monre

Tin cùng chuyên mục