,

Điện mặt trời - một lựa chọn cho vùng sâu, vùng xa

Thời điểm này đang là mùa khô, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nước của các hồ chứa thủy điện. Các dự báo đưa ra cũng cho thấy, trong mùa hè tới, nhu cầu về điện năng sẽ tăng cao. Trong khi đó, việc cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa vẫn chưa mấy được cải thiện. Bởi vậy, theo PGS.TS. Đặng Đình Thống - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng mới, Đại học Bách khoa Hà Nội: "Điện mặt trời vẫn là lựa chọn tốt để cấp điện cho hộ gia đình vùng sâu, vùng xa".

Còn nhiều hộ nông dân vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thể có điện

Theo số liệu của Viện Năng lượng, nước ta vẫn còn khoảng một triệu hộ dân ở các khu vực miền núi cao và trên các đảo nhỏ chưa thể có điện. Trong khi đó, kế hoạch đặt ra phải đến năm 2020, tỷ lệ hộ được cấp điện mới đạt 100%. 

PGS.TS. Đặng Đình Thống cho rằng, với các đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội của bộ phận dân cư nói trên và để đạt mục tiêu 100% hộ dân có điện vào năm 2020, thì phương án tối ưu nhất để cung cấp điện là sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo địa phương, như thủy điện nhỏ (TĐN), điện mặt trời (ĐMT), điện gió, điện từ khí sinh học…

Với ưu thế của một nước trong vùng nhiệt đới, nước ta có nguồn năng lượng mặt trời (NLMT) khá cao, trung bình trong khoảng 4,5 kWh/m2.ngày và 2200 giờ nắng/năm. Năng lượng mặt trời lại có khắp nơi. Ngoài ra, hệ thống ĐMT rất đơn giản, vận chuyển, lắp đặt, vận hành dễ dàng, hoạt động tin cậy, có ánh sáng mặt trời dù nhiều dù ít đều phát điện, không cần nhiên liệu, không cần dây tải điện, và tấm pin mặt trời lại có tuổi thọ trên 20 năm.

"Với các ưu điểm nổi trội đó, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho ĐMT còn khá cao, nhưng việc ứng dụng các hệ thống ĐMT cho bộ phận dân cư nói trên vẫn là một lựa chọn tốt" - theo TS Thống. Ông phân tích, mỗi hệ ĐMT gia đình có giá khoảng 10 triệu đồng. Nếu 60% các hộ chưa có điện nói trên được lắp đặt hệ ĐMT thì tổng chi phí đầu tư cũng chỉ là 600 tỷ đồng, con số khiêm tốn hơn nhiều so với các chi phí đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới.

Điện mặt trời - một lựa chọn tốt để cấp điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa

Theo PGS.TS. Đặng Đình Thống, công nghệ nguồn điện mặt trời được nghiên cứu, ứng dụng ở nước ta khoảng từ trước những năm 1990. nhưng phải đến những năm sau 1995, mới được ứng dụng nhiều ở các khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cho đến nay, tổng công suất lắp đặt trên toàn quốc khoảng 1,3 MWp, trong đó trừ hệ thống điện mặt trời 150 kWp ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia là được nối lưới, số còn lại là các hệ nguồn độc lập.

Các hệ thống điện mặt trời đã có mặt ở 38 tỉnh và các Bộ, ngành… Khoảng gần 30-35% trong tổng kinh phí cho các lắp đặt ứng dụng nói trên có được nhờ các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế thông qua các dự án "hợp tác quốc tế", khoảng 40 - 45% số ứng dụng còn lại được thực hiện từ nguồn kinh phí tự có của các doanh nghiệp. Phần kinh phí của Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng điện mặt trời trong thời gian qua còn quá khiêm tốn, tản mạn và manh mún. Ngoài ra, để hệ thống ĐMT hoạt động có hiệu quả cần có sự hướng dẫn và tài liệu hướng dẫn cách vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ ĐMT cho các hộ sử dụng. Ngoài ra cũng nên nghiên cứu cải tiến các thành phần của hệ thống ĐMT để việc sử dụng đơn giản hơn, tiện lợi hơn, nhưng hiệu quả cao hơn, như lắp các bộ biến đổi điện công suất nhỏ để có thể sử dụng các đồ điện thông thường, sẵn có ở mọi nơi và sử dụng các loại ắc qui đóng kín không cần phải thêm dung dịch...

Có thể nói, ĐMT vẫn là một lựa chọn tốt và đối với nhiều hộ gia đình vùng sâu, vùng xa và ở một số địa phương nó còn là lựa chọn duy nhất để cấp điện cho khu vực dân cư này. PGS.TS. Đặng Đình Thống nhấn mạnh, nếu được sự quan tâm của Nhà nước thì chỉ trong vòng vài năm là 100% hộ dân hiện nay chưa có điện sẽ sớm có điện mà không cần chờ đến năm 2020.

Monre

Tin cùng chuyên mục