,

Cơ hội giải quyết khủng hoảng năng lượng

Mặc dù nguồn năng lượng tái tạo không ngừng được phát triển, việc sử dụng loại năng lượng xanh này không thể giúp thế giới bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, khi mà nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn tăng lên không ngừng và thiếu sự kiểm soát. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo không thể thay thế các nhà máy than, dầu hoặc khí, mà chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu mỗi ngày một tăng của con người, xem ra giải pháp đơn giản nhất để phát triển bền vững là thiết lập một giới hạn tuyệt đối cho mức tiêu thụ năng lượng và sản lượng năng lượng.

Cả thế giới đang tăng cường khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong khi vẫn đốt ngày càng nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn. Đây là thực tế đang diễn ra ở Mỹ, ở châu Âu và trên toàn cầu. Để làm rõ vấn đề, người viết bài này xin được bắt đầu bằng việc phân tích tình hình ở Tây Ban Nha và Hà Lan, hai nước được coi là những ví dụ điển hình về cam kết sử dụng năng lượng tái tạo. Hà Lan sử dụng rất ít năng lượng hạt nhân và thủy điện trong khi ở Tây Ban Nha, việc sử dụng nguồn năng lượng này vẫn không thay đổi trong suốt thập kỷ qua.

Sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo

Cuối năm ngoái, Tây Ban Nha trở thành tiêu điểm của thế giới với tin tức cho hay nước này có thể sản xuất hơn 53% điện năng tiêu thụ trong nước chỉ bằng sức gió trong một đêm gió mạnh và chỉ trong một vài giờ.

Không thể phủ nhận rằng Tây Ban Nha đã có bước phát triển đầy ấn tượng trong khai thác năng lượng gió với mức tăng trưởng 8000% từ, 338GWh năm 1996 lên 27.509 GWh năm 2007. Nhờ đó sức gió khai thác trong sản xuất điện đã tăng từ 0,2 tới 9%.

Còn ở Hà Lan, điện "xanh" đã tăng 400% trong khoảng thời gian 1998-2008. Nhờ đó mà nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là sinh khối và gió, để sản xuất điện đã tăng từ 2,5% đến 9%.

Điều này nghe có vẻ rất đáng nể, đặc biệt nếu so sánh với tình hình tại Hoa Kỳ, nơi năng lượng tái tạo trong sản xuất điện (không bao gồm thủy điện) chỉ tăng từ 1,4% lên 2,3% trong cùng kỳ (1998-2008). Hoặc trên quy mô toàn cầu, năng lượng tái tạo sử dụng chỉ tăng từ 1,12 % năm 1990 lên 2,3% năm 2006.

Tuy vậy, điều đáng buồn là cũng như Mỹ và các nước khác trên thế giới, Tây Ban Nha và Hà Lan hiện nay đều phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch so với một thập kỷ trước. 

Nhìn vào tổng sản lượng điện năng 

Tại Tây Ban Nha sản lượng điện năng trong giai đoạn 1996 -2007 tăng gần 80%, từ 174.246GWh lên 303.293GWh, trong đó tỉ lệ điện từ nhiên liệu hoá thạch tăng từ 38% lên 59%.  

Trong quãng 11 năm đó, điện gió của Tây Ban Nha tăng 27.171GWh trong khi điện sản xuât từ nhiên liệu hóa thạch tăng 112.086 GWh.

Sự gia tăng sản lượng điện của Tây Ban Nha trong giai đoạn này có thể lý giải bởi họ trải qua một giai đoạn bùng nổ tăng trưởng kinh tế, và nước này đã bắt kịp các nước còn lại của châu Âu.

Xét sang ví dụ thứ hai là Hà Lan, có thể thấy sản lượng điện của Hà Lan không tăng một cách ngoạn mục như Tây Ban Nha. Trong 10 năm từ 1998 đến 2008, quốc gia này chỉ tăng 14%, từ 92.000GWh lên 105.000GWh. Ở thập kỷ này, sản lượng điện "xanh" ở Hà Lan tăng 7.200 GWh, trong khi điện "không xanh" cũng tăng ở một mức xấp xỉ là 7.000 GWh.

Chính vì vậy, khó có thể nói rằng Hà Lan đã bớt phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện so với năm 1998.

Có thực sự là tránh phát thải?

Tất nhiên, tình hình thậm chí đã có thể tồi tệ hơn nếu không có năng lượng tái tạo và đó là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách và các nhà thống kê không ngừng nói về việc "hạn chế năng lượng hóa thạch" và "không phát thải CO2". Họ lý giải về việc phát triển năng lượng tái tạo như sau: nếu chúng ta không xây dựng các tua bin gió và tấm pin mặt trời, thì chúng ta thậm chí còn đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn. Tuy nhiên, cần cảnh giác với những kết luận đơn thuần như vậy, bởi dường như người ta đã cố tình né tránh đề cập việc dự báo, kiểm soát tốt nhu cầu tiêu thụ và việc tiết kiệm năng lượng.

Người Tây Ban Nha hoàn toàn có thể tránh một lượng khí thải và năng lượng hóa thạch tương đương ngay cả khi không xây dựng một tua bin gió trong thời kỳ 1996-2007 bằng cách kiềm chế lượng tiêu thụ ở 85.951 TWh thay vì 112.086 TWh. Nếu làm như vậy, họ đã không tốn kém đầu tư để có thêm 27.171GWh điện gió. Tuy nhiên, nếu thực tế đã diễn ra như vậy thì Tây Ban Nha đã không trở thành điểm sáng của thế giới về năng lượng tái tạo!

Người Hà Lan cũng vậy. Họ đã có thể "tránh" một lượng khí thải và năng lượng hóa thạch tương đương nếu kiểm soát mức tăng tiêu thụ năng lượng ở 7.000 GWh thay vì mức 14.000 GWh như hiện nay.

Năng lượng tái tạo không “xanh” tuyệt đối

Trên thực tế, không phát triển năng lượng tái tạo có khi còn là một lựa chọn hiệu quả về sinh thái và năng lượng hơn, bởi như vậy cả hai nước đã có thể tiết kiệm mức năng lượng cần thiết để tạo ra nguồn năng lượng tái tạo – những tấm pin mặt trời, tua bin gió.

Trong trường hợp này, điện “xanh” thực chất không phải được tạo ra từ một nguồn "năng lượng sạch", mà chỉ là từ một nguồn năng lượng "sạch hơn" (so với nhiên liệu hoá thạch). Bởi các tấm pin mặt trời, tua bin gió mặc dù không sử dụng khí đốt hoặc than đá khi vận hành, nhưng để sản xuất ra chúng người ta cũng phải cần đến năng lượng truyền thống.

Nếu năng lượng tái tạo có thể thay thế năng lượng không tái tạo một cách trọn vẹn thì lại đi một nhẽ, bởi như vậy chúng ta mới thực sự tiết kiệm được năng lượng. Song, thực tế không phải vậy. Đã có một lượng năng lượng gia tăng (bị ẩn đi) để tạo ra một lượng điện tái tạo bổ sung.

Chúng ta đang làm quá nhiều thứ cùng một lúc

Phải khẳng định rằng, điều này không có nghĩa là các nhà máy nhiệt điện đáng được cổ vũ hơn tua bin gió và tấm pin mặt trời. 

Trong trường hợp kể trên của Hà Lan, nếu họ chọn có thêm nhà máy sản xúât năng lượng tái tạo mà không xây dựng nhà máy năng lượng không tái tạo thì đã là một sự lựa chọn tốt. Và nếu họ kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng ở mức của năm 1998 và không xây thêm, kể cả cả nhà máy năng lượng không tái tạo, thì thậm chí còn tốt nữa. Khi đó, họ sẽ ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn, sản xuất ít khí CO2 hơn và ít làm ô nhiễm khí quyển hơn.

Không may là trong thực tế họ đã không có được điều đó. Hay nói cách khác, họ đã làm mọi thứ cùng một lúc: xây dựng thêm các nhà máy năng lượng tái tạo, xây dựng thêm các nhà máy năng lượng không tái tạo và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.

Thêm năng lượng sạch nhưng chẳng “xanh” hơn

Xu hướng này không chỉ ở Tây Ban Nha và Hà Lan, nó cũng chẳng phải mới mẻ. Những gì chúng ta làm hơn 100 năm nay là khai thác quá nhiều nguồn năng lượng. Ngày nay, lượng than mà thế giới khai thác để sản xuất điện lớn hơn nhiều so với một thế kỷ trước - khi mà khí tự nhiên, dầu và hạt nhân còn chưa được nhắc đến.

Đáng tiếc là không có nhà máy khai thác khí tự nhiên sạch hơn nào thay thế than ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp. Các nhà máy khí tự nhiên chỉ đứng cạnh các nhà máy than. Các nhà máy hạt nhân mọc lên cũng không thay thế các nhà máy nhiệt điện và các nhà máy sản xuất điện từ khí tự nhiên đã  hiện hữu..
Với năng lượng tái tạo, điều tương tự đang diễn ra. Chúng chỉ góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng phình to của loài người. Chúng ta đang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để vận hành một lượng khổng lồ các thiết bị ngốn năng lượng. Điều này sẽ không thể đưa chúng ta đến một con đường phát triển bền vững.

Cho đến nay, nguồn năng lượng mới và sạch hơn vẫn luôn luôn được sử dụng để tăng sản lượng, chứ không khiến nó "xanh hơn". Cái mà chúng ta gọi là “sản xuất điện xanh” vì vậy cần được xem lại. Có thể nói chúng ta chưa tiến thêm được bước nào so với 5, 10, 20 hoặc thậm chí 100 năm trước. Ngược lại, càng ngày tình hình lại càng tồi tệ hơn.

Cần xem lại mục tiêu

Có những tình huống, không làm gì có khi lại tốt hơn là cố gắng làm cho bằng được. Chìa khóa để phát triển bền vững là giảm bớt quy mô sản xuất năng lượng không tái tạo, hoặc ít nhất là giữ nguyên ở quy mô cũ. Thay vì hướng tới phát triển năng lượng tái tạo nhiều hơn, các nhà hoạch định chính sách nên nỗ lực đảm bảo rằng không phải sản xuất thêm một kilowatt năng lượng không tái tạo nào nữa.

Vấn đề nằm ở chỗ, tất cả các mục tiêu chính sách hiện chỉ quan tâm đến tỉ lệ phần trăm (%) mà không chú ý đến con số tuyệt đối. Giả dụ, Liên minh châu Âu hướng tới sản xuất 20% tổng điện năng từ năng lượng gió và 15% từ năng lượng mặt trời vào năm 2020. Không có báo cáo nào đề cập tới mục tiêu dưới dạng các con số tuyệt đối. Vì vậy, sẽ không thể hiệu quả nếu muốn có được "năng lượng xanh” trong khi tổng điện năng tiêu thụ vẫn tăng không ngừng.

Xin nhắc lại rằng tăng năng lượng tái tạo không phải là việc quan trọng nhất. Điều quan trọng là lượng nhiên liệu hóa thạch sử dụng phải giảm đi. Chỉ sau đó, chúng ta mới bớt phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo và chỉ sau đó chúng ta mới có thể giảm lượng khí thải CO2.

Trên quy mô toàn cầu, chúng ta càng thấy rõ hơn rằng cách giải quyết hiện nay không hề hiệu quả. Tổng điện năng tái tạo trên toàn thế giới (trừ thủy điện) tăng từ 31.000 GWh (1980) tới 414.000 GWh (2006), tức là tăng 1300% hay tăng tuyệt đối 383.000GWh. Tuy vậy, lượng điện được tạo ra bởi than và khí đốt lại cũng tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ đó, lên tới 6.355.900 GWh. Như vậy, nếu tính trên con số tuyệt đối, chúng ta đã tăng nguồn năng lượng không tái tạo nhiều hơn 20 lần so với nguồn tái tạo.

Không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ sớm chấm dứt. Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2009 của IEA, tới năm 2030, năng lượng tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 40% so với hiện tại, bất chấp rằng mức tiêu thụ năng lượng năm 2009 có sụt giảm do khủng hoảng kinh tế. Cũng theo ước tính của IEA, mức tiêu thụ điện sẽ tăng 76% vào năm 2030, tương đương mức công suất yêu cầu là 4.800 GW.

Ngay cả khi chúng ta thành công trong việc sản xuất 4.800 GW năng lượng tái tạo trong 20 năm tới (một mục tiêu phi thực tế), chúng ta vẫn không thể đạt được tiến bộ nào. Bởi lẽ chúng ta đang phải đối phó với một điều gần như được coi là một quy luật tự nhiên không thể lay chuyển: Mức tiêu thụ năng lượng vẫn không ngừng tăng lên.

Làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng?

Xin khẳng định rằng tất cả những nỗ lực xây dựng và phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả đều hữu ích và rất cần thiết. Song những nỗ lực này sẽ không mang lại kết quả gì nếu chúng ta không đặt ra một giới hạn tuyệt đối cho việc sử dụng năng lượng.

Hãy tưởng tượng một viễn cảnh EU hoặc Mỹ quyết định rằng cần phải giới hạn việc tiêu thụ năng lượng (hoặc điện) năm 2020 như hiện tại. Tất cả các nỗ lực khác bỗng nhiên lại mang lại hiệu quả. Nếu tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng, thì năng lượng không tái tạo tất yếu giảm đi. Công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ trở thành công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Khi đó, với từng bước tiến nhỏ trong sản xuất năng lượng tái tạo và công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, chúng ta sẽ ngày càng ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và càng ngày thải ít khí nhà kính hơn.

Nếu chúng ta có thể kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng ngày nay ở mức 18.008.000 GWh, tại sao chúng ta không thể làm như vậy vào năm 2030? Chúng ta cần thêm những thiết bị ngốn năng lượng nào nữa? Chúng ta có thể tiếp tục phát triển sản phẩm và dịch vụ mới như chúng ta muốn chỉ cần đảm bảo rằng chúng hiệu quả về mặt năng lượng. Nhìn lại lượng năng lượng bị lãng phí hiện nay từ đa số các sản phẩm và dịch vụ, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta còn rất nhiều cơ hội để đổi mới, cải tiến, và từ đó tăng trưởng kinh tế.

Đây rõ ràng là một chiến lược thực tế, thậm chí có thể nói tốt hơn cả ý tưởng của Richard Heinberg về một hiệp định quốc tế nhằm giảm mỗi năm 2,6% lượng sản xuất và tiêu thụ dầu.

Chúng ta có thể khoanh tay ngồi đợi đến khi tình hình địa chất, kinh tế hoặc chính trị khiến lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm đi, nhưng để thúc đẩy điều này, ngay từ bây giờ chúng ta đang chắc chắn có nhiều hơn một cơ hội để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi sang một xã hội bền vững, ít phụ thuộc vào năng lượng hơn!

Thiennhien.net

Tin cùng chuyên mục