,

10 hiện tượng thời tiết kỳ quái nhất

Biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết kỳ dị xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Mới đây, Tạp chí “Discovery” đã cho công bố danh sách 10 hiện tượng thời tiết kỳ quái nhất từ trước đến nay.

Lốc lửa

Gió lốc cộng thêm lửa rừng sẽ rất dễ tạo nên những cơn lốc lửa với khả năng hủy diệt lớn. Sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa ngọn lửa đang bốc cháy nóng rực và vùng không khí lạnh xung quanh có thể tạo thành các vòng xoáy lửa. Khi gặp gió thuận và khí lưu, các vòng xoáy lửa bắt đầu bốc lên không trung.

Các cơn lốc lửa có thể có chiều dài hàng trăm dặm Anh trong không trung, nhổ và thiêu cháy cây cối, giết hại không ít người. Vào năm 1923, một cơn lốc lửa tại Nhật Bản đã khiến 38 ngàn người bị chết.

Vòng băng

Không chỉ có những ruộng mạch mới có những vòng tròn kỳ quái, mùa đông cũng có những hiện tượng kỳ bí của mình: Một khối băng tròn vành vạnh chậm rãi xoay tròn trên mặt nước.

Tạm thời chưa nói đến giải thích khó tin về sự xuất hiện của người ngoài hành tinh, người ta cũng đã có hàng loạt những đáp án cho hiện tượng kỳ lạ này. Cách giải thích phổ biến là dòng sông băng chảy chầm chậm dần hình thành một khối băng hình tròn.

Sau đó tảng băng này xoay tròn và các góc cạnh của nó bị bào mòn dần. Cuối cùng hình thành hình tròn vành vạnh như người ta thấy. Tảng băng hình tròn tự xoay chuyển này được phát hiện ở Canada vào năm 2008.

Cầu vồng ngược

Cầu vồng là hiện tượng rất thường thấy. Tuy nhiên cầu vồng ngược thì lại là một hiện tương độc đáo. Nếu như cầu vồng là hiện tượng tán sắc của các ánh sáng từ mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa thì cầu vồng ngược là do ánh sáng chiếu qua phần rìa của những bông tuyết trong không khí từ phía bên trên hình thành.

Mây đĩa bay

Đây là một hình dáng hiếm thấy của mây hình hạt đậu. Khi luồng không khí bay qua các dải núi sẽ hình thành những đám mây có hình gợn sóng. Rất nhiều người đã cho rằng những đám mây có hình dẹt này là những vật thể bay lạ. Những đám mây này được chụp hình vào tháng 9/2008 tại New Mexico.

Ống tuyết

Ống tuyết là một trong những hiện tượng kỳ quái xuất hiện vào mùa đông. Những ống tuyết hình trụ này hình thành do tự chúng lăn. Gió thổi lên một cục tuyết nhỏ, sau đó đẩy xuống sườn núi.

Sau đó càng lăn càng nhiều, càng lăn càng to để tạo thành những “quả cầu tuyết” hình trụ đẹp mắt này. Tuy nhiên, những ống tuyết này thường rỗng ruột vì bên trong chúng thường là tuyết vụn.

Mây râu

Xoáy mây hình móng ngựa cũng là một hình dạng mây độc đáo. Nếu như những xoáy mây này hình thành thẳng đứng, thì cũng có nghĩa là vòi rồng sắp xuất hiện. Tuy nhiên, cũng đôi khi chúng hình thành những hình dạng kỳ quái như thế này.

Mưa đá khổng lồ

Viên đá có đường kính 8cm, với chu vi là 48cm này xuất hiện trong một trận mưa đá ở Nebraska vào ngày 22/6/2003. Đây là trận mưa đá với những viên đá lớn nhất trong lịch sử ở Mỹ. Mưa đá là do thời tiết sấm chớp cực kỳ kịch liệt trong mùa hè tạo thành. Nước và bông tuyết kết hợp với nhau tạo thành các viên đá có kích thước lớn và khi không khí không giữ được chúng nữa thì chúng rơi xuống.

Mưa đá thường gây tác hại lớn đối với tài sản và cây trồng. Để tránh mưa đá, người ta đã áp dụng khá nhiều phương pháp khác nhau. Vào thời trung cổ, người châu Âu thường đánh chuông nhà thờ hoặc bắn pháo lên trời.

Bầu trời sắc màu

Hiện tượng này bề ngoài có vẻ giống với cực quang, song sự thực, chúng là một hiện tượng khí quyển hoàn toàn khác, gọi là mây Nacreous. Loại mây này được hình thành ở độ cao khá lớn so với mực nước biển, thường là khoảng 24km trở lên. Điều này cũng có nghĩa rằng, vào buổi chiều, ở những nơi đó vẫn có ánh sáng mặt trời chiếu đến.

Ở các vùng cực, loại mây này không hiếm thấy. Tuy nhiên tại các vùng có vĩ độ thấp thì hiện tượng này cực kỳ hiếm thấy. Hình ảnh trong hình được chụp vào năm 2006 tại Colorado, nước Mỹ.

Mưa đỏ

Vào tháng 7 năm 2001, ở Ấn Độ đã có một trận mưa kỳ quái, mưa đỏ. Cho đến nay, có khá nhiều các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cách giải thích hiện tượng kỳ quái này.

Có người cho rằng, trong nước mưa có thể mang theo các cát sa mạc. Có người lại cho rằng, trong nước mưa có mang theo các bào tử nấm. Có hai nhà khoa học nổi tiếng còn viết hẳn một bài báo nói về khả năng mang theo các hạt sao băng của cơn mưa này.

Để làm rõ chân tướng, Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh tiến hành nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu phát hiện rằng, thủ phạm quả thực là các bào tử tảo biển. Tuy nhiên, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được vì sao các bào tử tảo biển lại có thể xâm nhập vào tầng khí quyển cũng như phương thức chúng “nhuộm” hồng cơn mưa.

Sét hòn

Cho đến nay, những tia sét hình cầu vẫn còn là một hiện tượng gây tranh cãi. Trong suốt nhiều thế kỷ qua, rất nhiều người nói rằng họ đã nhìn thấy những tia sét hình cầu lóa mắt xuất hiện trên không trung.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được hiện tượng này, thậm chí cũng chưa ai chứng thực sự tồn tại của sét hòn. Ngay cả đối với những bức hình sét hòn trước nay có phải là thật hay không, ý kiến của các nhà khoa học vẫn còn rất bất đồng.

Moitruongxanh

Tin cùng chuyên mục