Hội nghị sẽ thúc đẩy kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu lần đầu tiên theo quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch và bắt đầu giai đoạn chuyển đổi công bằng, cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính - đặc biệt là Quỹ Thiệt hại và Tổn thất vốn gây nhiều tranh cãi - cũng được cho là các nội dung chương trình nghị sự có mức độ ưu tiên cao.
Chủ tịch COP28 - ông Sultan Ahmed al-Jaber phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị
Trước thực trạng nhiều tháng nắng nóng gay gắt trên khắp hành tinh, Chủ tịch COP28 - ông Sultan Ahmed al-Jaber hoàn toàn ủng hộ kết quả tham vọng nhất có thể đạt được tại Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST) để rà soát lại xem thế giới đang đứng ở đâu trong việc cắt giảm khí thải, đồng thời, cố gắng kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C.
Quỹ Thiệt hại và Tổn thất được thành lập từ Hội nghị COP 27 (năm 2022), với mục tiêu bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Tại phiên khai mạc COP28, các nước đã đưa ra cam kết cụ thể đóng góp cho quỹ: UAE 100 triệu Đô la Mỹ; Liên minh châu Âu (EU) 225 triệu Đô la Mỹ, trong đó, riêng nước Đức cam kết 100 đô la Mỹ; Vương quốc Anh 65 triệu Bảng (tương đương 75 triệu Đô la Mỹ); Hoa Kỳ 24,5 triệu Đô la Mỹ và Nhật Bản 10 triệu Đô la Mỹ. |
Chủ tịch COP28 cho biết, Hội nghị COP cần hợp tác với các công ty nhiên liệu hóa thạch. Nhiều công ty dầu mỏ quốc gia đã tăng cường tham gia vào quá trình giảm phát thải, thông qua các mục tiêu phát thải mê-tan bằng 0 vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng như vậy là chưa đủ và các công ty này hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn thế.
Ông Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh: Các quyết định đầu tư hợp lý cho quá trình chuyển đổi, bao gồm cả ứng phó với tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu rất quan trọng. Những cam kết về hệ thống năng lượng mới cần đảm bảo công bằng nhằm tăng tính khả thi. Điều đó có thể hiểu là công bằng trong từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
Trước đó, trong 2 ngày họp Nhóm G77 và Trung Quốc, một trong những vấn đề được các bên quan tâm là thông qua các chương trình nghị sự tại COP28. Các bên hoặc nhóm nước đã đưa ra 10 đề xuất bổ sung cho chương trình nghị sự. Tại Phiên khai mạc, Hội nghị đi vào thảo luận các vấn đề theo chương trình đã định sẵn. Đối với các đề xuất bổ sung, các quốc gia đã thống nhất tiếp tục thảo luận sau nhằm tránh sự chậm trễ.
Quang cảnh Lễ khai mạc Hội nghị COP28
COP28 được đánh giá là Hội nghị lớn nhất từ trước tới nay với kỷ lục về số lượng nguyên thủ cũng như số đại biểu tham dự. Đến nay, trên 170 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đã đăng ký phát biểu tại Hội nghị. Tham dự còn có trên 50 nghìn đại biểu đến từ các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông và các tổ chức có liên quan khác.
Đoàn cấp cao của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu. Thủ tướng Chính phủ sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trong ngày 2/12.
Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ gồm Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, một số đồng chí Bộ trưởng, Lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương Binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại UAE, Lãnh đạo một số địa phương có liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí, đại diện một số doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến triển khai thực hiện cam kết tại COP26.
Đoàn Việt Nam tham dự đàm phán kỹ thuật tại COP28 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chỉ đạo, tham dự toàn thời gian diễn ra Hội nghị COP28, bao gồm cả các phiên họp trù bị từ ngày 28/11 đến ngày 12/12. Các thành viên tham gia thành viên Đoàn là các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu từ Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, đại diện một số địa phương, doanh nghiệp.
Bên cạnh các hoạt động trao đổi, đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị COP28, Đoàn Việt Nam tham dự đàm phán kỹ thuật tại COP28 dự kiến sẽ chủ trì một số sự kiện tại Phòng sự kiện bên lề của Việt Nam (Việt Nam Pavilion) trong các ngày 1 – 10/12. Đồng thời, Đoàn cũng tham gia nhiều sự kiện bên lề COP28 nhằm giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.