,

Hội thảo lần thứ 15 về việc thực hiện Nghị định thư Montreal khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Ngày 22-24/02 tại Đà Nẵng Cục Biến đổi khí hậu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức "Hội thảo lần thứ 15 về việc thực hiện Nghị định thư Montreal khu vực Đông Á và Thái Bình Dương".

 

Tham dự Hội thảo về phía Ngân hàng thế giới có Bà Valerie Hickey, Giám đốc toàn cầu về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế biển, Ngân hàng thế giới (WB); Bà Mona Sur, Giám đốc Chương trình Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên và Kinh tế biển; Bà Angela Armstrong, Quản lý chương trình thực hiện Nghị định thư Montreal cùng các chuyên gia của WB. Về phía Cục Biến đổi khí hậu Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng. Tham dự Hội thảo còn có đại biểu đại diện của các Văn phòng ô-dôn quốc gia, các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Đại diện Ngân hàng thế giới và lãnh đạo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Cùng với cộng đồng quốc tế, trong suốt thời gian qua Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm, chủ động tham gia và không ngừng tang sự đóng góp của mình trong hành trình bảo vệ tầng ô-dôn.

Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ ngày 01/01/2010; hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng); Loại trừ hoàn toàn HCFC-141b nguyên chất từ ngày 01/01/2015, đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC của Việt Nam; đang thực hiện kế hoạch loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC trong giai đoạn 2020-2025; tiến tới sẽ chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040; Chuẩn bị thực hiện theo lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024-2028 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo

Cùng với đó là việc tăng cường hợp tác chặt chẽ với Chính phủ các quốc gia trong khu vực, các Bộ, ngành, và các đối tác quốc tế và dần hoàn thiện các văn bản pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, bảo vệ tầng ô-dôn và kiểm soát các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal. Các quy định cụ thể hóa tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư cấp Bộ: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; và một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (tiêu chuẩn yêu cầu về an toàn trong sản xuất sử dụng chất trợ nở có tính cháy trong sản xuất xốp; quy chuẩn thu gom, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy các chất được kiểm soát) đã và đang chuẩn bị ban hành phục vụ công tác quản lý.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình thu thập, đánh giá dữ liệu phục vụ xây dựng Kế hoạch quản lý các chất HFC, đến cuối năm nay sẽ hoàn thiện bản Kế hoạch quản lý của Việt Nam để trình Thủ tướng phê duyệt, do vậy Hội thảo này sẽ giúp Việt Nam hiểu rõ về các lĩnh vực sử dụng HFC, các chất, công nghệ thay thế và sự sẵn sàng của ngành để đưa ra các biện pháp và chính sách quản lý phù hợp.

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Tăng Thế Cường mong muốn: "Hội thảo sẽ là diễn đàn để các quốc gia trong khu vực cùng với các chuyên gia trao đổi, thảo luận về các chính sách, hướng dẫn, hỗ trợ để các quốc gia đang phát triển triển khai việc loại trừ các chất HFC; công nghệ và các chất thay thế để đảm bảo quá trình chuyển đổi, loại trừ HFC trong các lĩnh vực sử dụng khác nhau được triển khai thuận lợi; đồng thời là cơ hội để các quốc gia trong khu vực và các quốc gia phát triển chia sẻ kinh nghiệm đã thực hiện trong quản lý, loại trừ các chất HFC".

Tham dự Hội thảo có đại diện các Văn phòng ô-dôn quốc gia, các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp

Bà Valerie Hickey, Giám đốc toàn cầu về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế biển, Ngân hàng thế giới cho biết: bất chấp những thách thức vì đại dịch toàn cầu, thời gian qua, việc thực hiện Nghị định thư Montreal đã đạt được tiến bộ đáng kể, tầng ô-dôn của trái đất đang trên đà phục hồi, dự kiến, tầng ô-dôn sẽ phục hồi về mức của năm 1980 trong vòng chưa đầy 20 năm và đến năm 2066, tầng ô-dôn sẽ được khôi phục hoàn toàn ở cả hai cực của địa cầu.

Bà Valerie Hickey, Giám đốc toàn cầu về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế biển WB phát biểu tại Hội thảo

"Nghị định thư Montreal đã làm được nhiều điều cho khí hậu hơn bất kỳ hiệp ước nào khác. Bản sửa đổi Kigali về loại bỏ dần HFC tiếp tục thể hiện sự đóng góp của Nghị định thư Montreal trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Lợi ích này có thể tăng gấp đôi nếu các nỗ lực giảm dần HFC được kết hợp với những cải tiến về hiệu quả sử dụng năng lượng trong các thiết bị và thiết bị điện lạnh". Bà Valerie Hickey nhấn mạnh

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo sẽ diễn ra trong 03 ngày, tại Hội thảo các chuyên gia và đại diện của các Văn phòng ô-dôn quốc gia, các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi và thảo luận các chuyên đề: Xây dựng chính sách theo Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali; Thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali; Tài trợ cho việc thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali và Quyết định XXVIII/2; Triển khai dự án NĐT Montreal: Giám sát các vấn đề về ủy thác; Môi trường, xã hội và các khía cạnh khác của việc loại trừ các chất HCFC/HFC; Các lĩnh vực lắp ráp, lắp đặt và dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng - Thách thức và cơ hội đối với việc loại trừ các chất HCFC giai đoạn III và KIP giai đoạn I; Cung và cầu của các khí F và các giải pháp thay thế; Các công nghệ về điều hòa không khí và làm lạnh; Kinh nghiệm triển khai và công nghệ sản xuất xốp...

Trong khuôn khổ Hội thảo, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Tăng Thế Cường đã tiếp và làm việc với Bà Valerie Hickey, Giám đốc toàn cầu về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế biển WB.

Tại buổi làm việc hai bên đã trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam và việc quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính theo Nghị định thư Montreal.

Hai bên cam kết tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và bền chặt trong thời gian tới.

 

Năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-dôn, đánh dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ tầng ô-dôn. Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra đời trong khuôn khổ Công ước Viên. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn tham gia Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal từ năm 1994.

Được đánh giá là một trong những điều ước quốc tế thành công nhất trong lịch sử từ trước đến nay, Nghị định thư Montreal thực sự đã mang lại những ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của chúng ta khi lỗ thủng tầng ô-dôn ngày một thu hẹp lại, cuộc sống của nhân loại bớt đi những ảnh hưởng có hại từ tia cực tím.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục