,

Đảm bảo an toàn trong biến đổi khí hậu

Giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; Ứng phó với thiên tai, chống ngập cho các thành phố lớn, củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; Bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… là những hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã nỗ lực triển khai trong thời gian qua.

 

* Cảnh báo sớm và ứng phó kịp thời với thiên tai

Với việc hoàn thiện hệ thống thể chế, ban hành và thực thi Luật phòng, chống thiên tai 2013, Luật khí tượng thủy văn 2015 cũng như các văn bản dưới luật; đồng thời thực hiện các chiến lược, chương trình và dự án đầu tư, hệ thống giám sát BĐKH và nước biển dâng được xây dựng và vận hành hiệu quả.

Các công nghệ dự báo KTTV cũng được phát triển, dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu  vực Đông Nam Á, đặc biệt là trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, rét đậm, rét hại, lũ lụt và nắng nóng. Độ chính xác trong bản tin dự báo bão của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần giảm thiệt hại so với trước đây. Chúng ta đã hình thành hệ thống báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cảnh báo tai biến địa chất và thảm họa môi trường tự nhiên; thành lập bộ bản đồ phân vùng cảnh báo các loại hình thiên tai.

Việc ứng phó với thiên tai, chống ngập cho các thành phố lớn, củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào củng cố cơ sở hạ tầng thủy lợi; phát triển và mở rộng hệ thống cấp nước sạch nông thôn; hỗ trợ các vùng dân cư ở các khu vực thường xảy ra lũ lụt, sạt lở đất; xây dựng các phương án di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão, lũ quét, sạt lở đất; điều chỉnh các quy hoạch sản xuất, các công trình hạ tầng dân sinh đảm bảo thích ứng và hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, chúng ta đã chủ động công tác phòng chống thiên tai, chú trọng các vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai; nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống dịch bệnh; triển khai thực hiện quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Đáy, Hồng - Thái Bình; bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Cửu Long, Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai, Sài Gòn và các sông lớn khác; triển khai xây dựng các công trình tiêu thoát nước.

Đối với các hồ chứa, tập trung sửa chữa và nâng cao an toàn đập ở Bắc Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; xây dựng mới các hồ chứa lớn ở bắc miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; xây dựng mới các hồ chứa nhỏ, cụm đập dâng ở miền núi phía Bắc; sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy nông ở đồng bằng Bắc Bộ; hoàn thiện, khép kín các hệ thống thủy nông, mở rộng kênh tiêu thoát lũ, cống điều tiết ở Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục thực hiện chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

Ngoài ra, đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn; xây dựng bản đồ nguy cơ ngập theo các kịch bản nước biển dâng đến cấp xã; triển khai thực hiện đề án chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cống ngăn triều Mương Chuối, huyện Nhà Bè thuộc dự án chống ngập ở TP.HCM (ảnh: Vnexpress)

* Đảm bảo an ninh lương thực và nguồn nước

Để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chúng ta đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; nghiên cứu, chọn tạo và áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất; tái cơ cấu đầu tư công, chuyển mạnh vốn đầu tư cho thủy lợi phục vụ đa mục tiêu; ưu tiên vốn để thực hiện các công trình thủy lợi tưới cho cây trồng cạn, các cây công nghiệp có giá trị cao và phục vụ nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện và bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia bảo hiểm, chia sẻ rủi ro trong nông nghiệp.

Lập, triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông có xét đến biến đổi khí hậu; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh nước trong điều kiện biến đổi khí hậu; thực hiện xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng; ban hành các văn bản pháp quy về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hạn chế khai thác nước dưới đất; xây dựng các tiêu chí sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm là các giải pháp bảo đảm an ninh nước về lâu dài.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, chúng ta còn tích cực xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng; bảo vệ, phục hồi rừng, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo vệ các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục