,

Đặc điểm KTTV nổi bật trên toàn cầu và Việt Nam năm 2022

Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) vừa công bố báo cáo “Đặc điểm Khí tượng Thủy văn Việt Nam năm 2022” nhằm khái quát tình hình KTTV nước ta trong năm qua.

 

Đây là nguồn thông tin chính thống, cung cấp cho cộng đồng bức tranh toàn diện về thời tiết, khí hậu, thủy văn, hải văn, thiên tai nổi bật trên quy mô toàn cầu và chi tiết ở Việt Nam. Thông tin trong báo cáo là nguồn tư liệu hữu ích giúp các cơ quan quản lý, các nhà khoa học tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, đào tạo, xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

* Năm 2022 là năm nóng thứ 6 kể từ năm 1891

Năm 2022, nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ gia tăng, hạn hán và cháy rừng. Theo đánh giá của Trung tâm khí hậu Tokyo-Nhật Bản (TCC), chuẩn sai của nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu năm 2022 cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) giai đoạn 1991-2020 khoảng +0,24 độ C, với giá trị này năm 2022 là năm được xếp hạng nóng thứ 6 trong chuỗi số liệu kể từ năm 1891 đến nay.

Xét trên toàn chuỗi số liệu từ 1890 đến nay, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm đã tăng với tốc độ khoảng + 0,74 độ C mỗi thế kỷ. Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm 2014 đến năm 2022 được ghi nhận là các giá trị cao nhất kỷ lục. Theo Tổng cục KTTV, liên tiếp các giá trị nhiệt độ kỷ lục này là hệ quả của sự nóng lên toàn cầu với đóng góp từ việc gia tăng nồng độ khí nhà kính do các hoạt động kinh tế - xã hội do con người gây ra.

Sự chênh lệch nhiệt độ cao xuất hiện rõ trên các khu vực rộng lớn từ Châu Âu đến Đông Á và hầu hết Bắc Bán cầu. Hiện tượng hạn hán cũng xảy ra trên khắp thế giới. Tại Bắc Mỹ, điển hình ở Mexico, phần lớn miền Bắc và miền Trung hứng chịu hạn hán khiến chính quyền nước này phải ban hành yêu cầu hạn chế sử dụng nước hồi tháng 2/2022.

Tại Châu Âu, năm 2022 được ghi nhận là năm khô hạn thứ 3 tại Tây Ban Nha. Hạn hán ảnh hưởng đến phần lớn Châu Âu trong mùa hè ở Bắc Bán cầu, gây ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng và mực nước trên các sông xuống thấp kỷ lục.

Cũng trong năm 2022, tại khu vực Đông Úc, chính phủ Cộng hòa Kiribati phải tuyên bố tình trạng thảm họa vào ngày 11/6 khi gần 40% dân số của quốc đảo này bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nguy cơ ô nhiễm nước, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.

*Mưa lớn gây lũ lụt tại nhiều châu lục

Không chỉ ghi nhận nhiệt độ gia tăng, hạn hán, cháy rừng, thế giới cũng trải qua nhiều biến động về lượng mưa trong năm qua. Tổng lượng mưa trên toàn cầu có khu vực cao hơn nhưng cũng có nhiều khu vực thấp hơn so với TBNN. Tây Nam và Nam Mỹ, Nam Chi-lê, một phần phía Nam và Tây Châu Âu, phía Bắc Trung Quốc có tổng lượng mưa năm 2022 ở mức thấp hơn so với TBNN. Trong khi đó, phía Nam Alaska, vùng tiếp giáp với phía Bắc của Mỹ, phía Bắc và phía Đông Châu Á và phía Đông Australia là những khu vực có lượng mưa năm 2022 ở mức cao hơn so với TBNN.

Tại Bắc Mỹ, mưa lớn vào đầu tháng 2/2022 tại Puerto Rico đã gây ra lũ lụt nguy hiểm, lở đất, đổ cây và đường dây điện… Lượng mưa tháng 2/2022 ghi nhận tại San Juan (Puerto Rico) được xếp thứ 8 trong chuỗi lượng mưa của tất cả các tháng trong lịch sử. Tại Mexico, bão Agatha là cơn bão mạnh nhất trong tháng 5, gây mưa lớn và lũ lụt nguy hiểm tại vùng phía Nam và Đông Nam của Mexico.

Tại Nam Mỹ, mưa lớn trong tháng 1/2022 tại Ecuador và trong tháng 4/2022 tại Columbia cũng gây lũ lụt, tàn phá nhiều nhà cửa, hư hỏng cơ sở hạ tầng, sạt lở đất, tắc nghẽn giao thông.

Tại châu Âu, cụ thể tại Bồ Đào Nha, miền Tây và miền Trung Tây Ban Nha, lũ lụt tàn khốc làm hư hỏng, phá hủy đường sá và nhà cửa đầu tháng 12/2022.

Tại Châu Phi, các cơn bão Ana, Gomble mang đến những trận gió lớn và mưa lớn ảnh hưởng tới hàng triệu người, hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy, hư hại nghiêm trọng, khiến hơn 100.000 cư dân phải di dời.

Tại Châu Á, tuyết rơi kỷ lục tại phía Bắc Nhật Bản từ cuối tháng 12/2021 sang đầu tháng 1/2022, một số nơi đã thiết lập kỷ lục mới; đáng chú ý, tại Hikone ở tỉnh Shiga đã quan sát tuyết dày 78cm, đây là kỷ lục tuyết rơi mới trong 48 giờ cho địa điểm này.

Các đợt rét mạnh hơn bình thường đã ảnh hưởng đến miền Nam Trung Quốc trong tháng 2/2022, gây mưa ẩm nhiều hơn và nhiệt độ trung bình thấp hơn TBNN. Gió mùa Ấn Độ bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn TBNN dẫn đến lượng mưa cao hơn TBNN ở phần lớn Nam Á trong suốt cả năm. Điển hình tại Pakistan có lũ lụt tàn phá nghiêm trọng trong thời kỳ gió mùa mùa Hè. Tháng 7 và tháng 8/2022 được ghi nhận là tháng nhiều mưa nhất trong lịch sử tại Pakistan và Bangladesh gây ra lũ lụt tồi tệ nhất trong 20 năm qua.

Tại khu vực phía Đông Úc, mưa lớn cuối tháng 2 đầu tháng 3/2022 khiến lượng mưa cao hơn từ 2 đến 5 lần so với TBNN, gây lũ lụt đáng kể ở một số con sông.

Nhà dân tại Quảng Nam bị ngập do mưa lớn kéo dài

*Các hiện tượng thời tiết, khí hậu Việt Nam biến động mạnh

Theo Tổng cục KTTV, trong năm 2022, thời tiết và khí hậu nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, đây là năm thứ 3 liên tiếp duy trì trạng thái La Nina.

Trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), bao gồm: 7 cơn bão và 2 ATNĐ (thấp hơn so với TBNN khoảng 4 cơn). Trong đó, các cơn bão số 1 (CHABA), số 3 (MA-ON), số 4 (NORU) và số 5 (SONCA) đã ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Các cơn bão khi đổ bộ gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 trong đất liền. Riêng cơn bão số 4 đã gây gió mạnh cấp 11, giật cấp 14 tại Cù Lao Chàm; cấp 10, giật cấp 12 tại Lý Sơn; gió mạnh cấp 9, giật cấp 13 tại Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam).

Trên đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam phổ biến có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11-13; khu vực khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.

Hầu khắp các khu vực trên cả nước đều có mùa mưa 2022 phù hợp với quy luật khí hậu, riêng tại Tây Nguyên và Nam Bộ, mùa mưa xuất hiện sớm và kết thúc muộn, ngoài ra mùa mưa tại khu vực Trung Bộ cũng kết thúc muộn, thậm chí còn kéo dài đến đầu năm 2023. Tổng lượng mưa trong năm 2022 trên cả nước đều ở ngưỡng xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN.

Đáng lưu ý, trong tháng 9, tháng 10, với sự xuất hiện của 3 cơn bão kết hợp với tác động của không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và nhiễu động gió Đông đã gây ra các đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng ở Trung Bộ, trong đó nhiều nơi có tổng lượng mưa cao hơn từ 50- 100%, thậm chí có nơi cao trên 200%. Các đợt mưa lớn liên tục đã ghi nhận được những giá trị của lượng mưa vượt giá trị lịch sử đã từng quan trắc được.

Năm 2022, nhiệt độ trung bình năm trên cả nước cao hơn khoảng 0,4 độ C so với TBNN và đượt đánh giá là năm mát nhất trong 8 năm trở lại đây (từ năm 2015-2022). Nước ta đã xảy ra 14 đợt nắng nóng trên diện rộng. Nắng nóng xảy ra muộn, các đợt nắng nóng xảy ra trong thời gian ngắn, không kéo dài và nền nhiệt độ không quá cao.

Cũng trong năm 2022, đã có 22 đợt không khí lạnh xâm nhập xuống nước ta và ít hơn nhiều so với giá trị TBNN (khoảng 28-30 đợt). Trong đó, có 15 đợt gió mùa Đông Bắc và 7 đợt không khí lạnh tăng cường. Đợt gió mùa Đông Bắc ngày 28/1 được bổ sung trong ngày 31/1 và 2/2 và đợt gió mùa Đông Bắc ngày 18/2 đã gây ra rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đặc biệt trong đợt gió mùa Đông Bắc mạnh ngày 18/2, trên vùng núi cao của Bắc Bộ, nhiều nơi đã xuất hiện băng giá, nhiệt độ thấp nhất tại Mẫu Sơn là -1,4 độ C.

Trong mùa cạn đầu năm 2022, lượng dòng chảy trên hầu hết các sông phổ biến thiếu hụt nhiều so với TBNN, riêng lượng dòng chảy trên các sông suối và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ phổ biến cao hơn so với TBNN. Mực nước trên một số sông ở Trung Bộ đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Hạn hán, thiếu nước cục bộ đã xảy ra ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi tại một số tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra sớm, tuy không gay gắt nhưng đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Về mùa lũ năm 2022, Bắc Bộ bắt đầu mùa lũ sớm và kết thúc sớm hơn TBNN, Trung Bộ và Tây Nguyên bắt đầu muộn hơn TBNN và kết thúc cũng muộn hơn so với TBNN. Lũ chính vụ trên các sông ở Bắc Bộ xuất hiện không đồng đều, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, chủ yếu là lũ vừa và lũ nhỏ; trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên lũ tập trung trong tháng 10, 11, 12. Lũ lớn đã xảy ra trên các sông ở các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Các sông từ Quảng Nam đến Bình Định đã xuất hiện lũ muộn vào những ngày cuối tháng 12.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục