,

Lên kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho ĐBSCL

Trong 2 ngày (29-30/3/2010) Hội thảo chung Việt Nam - Hà Lan với chủ đề hướng đến kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ĐBSCL, đã diễn ra tại TP.Cần Thơ dưới sự chủ trì của TS. Phạm Khôi Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam; ông Jos Schellaars, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; ông Trần Thanh Mẫn Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ; GS.TS Cornlis Pieter Veerman, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Lan; TS. Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam. Dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; các tỉnh và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, việc đảm bảo cho vùng ĐBSCL có thể an toàn trước những tác động của BĐKH là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ trong thời gian trước mắt mà còn cho hàng chục năm sau. Hội thảo này là cơ hội tốt để chúng ta cùng chia sẻ ý nghĩa, phương pháp và cách tổ chức xây dựng Kế hoạch châu thổ của Hà Lan và các vấn đề, thách thức trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. "Vì sự sống còn của khu vực ĐBSCL, việc đưa ra được các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng phù hợp với điều kiện thực tế ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là không thể chậm trễ" - Bộ trưởng nói. Theo ông, ứng phó với BĐKH có hiệu quả không những đòi hỏi phải xây dựng và nâng cấp các hệ thống đê sông, đê biển mà còn phải điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch không gian, cải thiện chất lượng môi trường, chất lượng nước và đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho phát triển xã hội... Bộ trưởng cho biết, tiếp theo Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý tổng hợp lưu vực sông và đới bờ cho khu vực ĐBCSL, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Hà Lan xem xét giúp đỡ Việt Nam xây dựng Kế hoạch ứng phó với BĐKH và nước biển dâng một cách tổng hợp và toàn diện cho ĐBSCL.

Phát biểu tham luận, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn nêu bật những vấn đề chính liên quan đến BĐKH và phát triển bền vững ở ĐBSCL. Trong 30 năm qua, nhiệt độ tăng 0,5 độ C, mực nước cao nhất tại Cần Thơ tăng gần 0,4m trong khi tại Tân Châu (Châu Đốc) giảm mạnh gần 1m. Lưu lượng nước sông Mê Kông giảm gần 30% cả trong mùa khô lẫn mùa mưa so với mức bình quân thế kỷ trước; nước mặn xâm nhập, bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng. Dự báo BĐKH của Bộ TN&MT trung bình nhiệt độ tăng 1 độ C vào năm 2050 và tăng 2 độ C vào năm 2100; lượng mưa tăng 0,8% và 1,5%, nước biển cũng sẽ dâng 33cm và 75cm vào các thời điểm trên. Các hiểm họa mà ĐBSCL đang đối mặt là ô nhiễm không khí, bụi và tiếng ồn, rác phát sinh ngày càng nhiều, chưa được xử lý đúng kỹ thuật để bảo vệ môi trường và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính; nguồn nước sông rạch bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, công nghiệp, chế biến thủy sản và nước thay ao nuôi cá. Tác động xấu từ thượng nguồn Mê Kông, do các hoạt động khai thác tài nguyên và sử dụng xây dựng công trình nhân tạo, gây suy giảm số lượng, chất lượng tài nguyên nước và đa dạng sinh học của nước sông Mê Kông.

Theo ông Sơn, để ứng phó với BĐKH, cần phải nghiên cứu cải tiến công nghệ đỉnh cao của Hà Lan cho phù hợp với điều kiện ĐBSCL và đưa vào quy hoạch xây dựng các công trình chống lũ lụt, xâm nhập mặn và bảo vệ chất lượng môi trường nước cuối nguồn; mạng lưới các trạm xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp và nước thay ao cá đạt quy chuẩn, rẻ tiền để bảo vệ nguồn tài nguyên nước cho các địa phương thuộc ĐBSCL. Hình thành hệ thống công trình quản lý, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các loại chất thải rắn tại ĐBSCL…

GS.TS. Eelco van Beek đã đề xuất các giải pháp tổng hợp cho các vùng đồng bằng để phát triển bền vững. Còn GS.TS. Cees Veernan giới thiệu kinh nghiệm của Hà Lan (Ủy ban Châu thổ Hà Lan) trong việc thích ứng với BĐKH. Được biết, đến nay Ủy ban Châu thổ 2 của Hà Lan đã xây dựng kế hoạch châu thổ và đã được thông qua vào tháng 9 năm 2008, đề ra chiến lược đầu tư dài hạn theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo để Hà Lan có thể thích ứng được với các kịch bản được dự tính của BĐKH và nước biển dâng cho 50 năm và 100 năm tiếp theo. Các kinh nghiệm, công nghệ của Hà Lan trong việc chống chọi với sự xâm nhập của biển là hết sức quý giá đối với  Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL.

Đại biểu đại diện các Bộ và các chuyên gia cũng đã thảo luận về việc chuyển đổi từ kế hoạch Châu thổ Hà Lan sang Kế hoạch ĐBSCL; thảo luận về tiến trình kế hoạch, về vai trò và vị trí cùng các bước tiếp theo và các chuyên đề cụ thể cho kế hoạch ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL.

Monre

Tin cùng chuyên mục