,

Khai mạc Hội nghị Quốc tế "Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu"

          Sáng 22/3, tại Hà Nội, Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (International Panel on Climate Change - IPCC) đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) tổ chức Hội nghị Quốc tế với chủ đề: "Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu".   

          Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, Gs Ts  Nguyễn Thiện Nhân; Ts Renate Chrit, Thư ký IPCC, Ngài Stale Torstein Risa, Đại sứ Vương quốc Nauy tại Việt Nam và gần 100 nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự hội nghị.  

          Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ giới hạn trong nghiên cứu học thuật mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạch định chính sách của mỗi quốc gia. BĐKH đang trở thành một thách thức lớn nhất mang tính toàn cầu mà chúng ta và thế hệ mai sau phải đối mặt. Việt Nam là một trong các nước chịu hậu quả nặng nề nhất của BĐKH. Với quyết tâm hành động cùng cộng đồng thế giới ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã chủ động: Xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, Xây dựng các kịch bản BĐKH và nước biển dâng, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm,... Hiện nay, với tư cách là Chủ tịch ASEAN - khu vực chịu nhiều nhất tác động BĐKH, Việt Nam đã đưa vấn đề này là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự và khởi động việc lập Diễn đàn Đông Á về BĐKH. Phó Thủ tướng tin tưởng tại Hội nghị này, các nhà khoa học hàng đầu thế giới về BĐKH sẽ đưa ra những dự báo về những tác động đa chiều của BĐKH lên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và tìm ra giải pháp phù hợp chống lại thách thức này.  

            Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề nóng, mang tính cấp bách mà những tác động của BĐKH gây ra, đặc biệt các giải pháp quản lý rủi ro, ứng phó và thích ứng với BĐKH.  

           Hội nghị đã chia làm 9 tiểu ban chuyên môn làm việc từ 22 - 25/3 chuẩn bị cho Báo cáo chính thức của IPCC năm 2010. Đây là một báo cáo mang tính toàn cầu, có ý nghĩa làm cơ sở tham chiếu cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài trợ, nhà đầu tư.  

          Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi tiên phong trong cả nước tiến hành các nghiên cứu về tác động, giải pháp giảm nhẹ tổn thương do BĐKH gây ra. Đặc biệt, năm 2007, Gs Nguyễn  Văn Ninh, Khoa Môi trường của VNU là một đồng tác giả của Báo cáo IPCC năm 2007 đã được trao Giải thưởng Nobel hòa bình (cùng Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore). Năm 2010, Gs Mai Trọng Nhuận, Giám đốc VNU cũng được cử làm một trong các Trưởng nhóm của Báo cáo của IPCC.  

         IPCC được thành lập bởi Tổ chức Khí tượng thế giới và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, với 194 quốc gia thành viên. IPCC là cơ quan khoa học chịu trách nhiệm biên tập, soạn thảo các báo cáo đặc biệt tập trung vào việc hạn chế rủi ro thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan để tăng khả năng thích ứng với BĐKH. Báo cáo của IPCC được các quốc gia lấy làm căn cứ khoa học cho đối sách về BĐKH.  

Monre

Tin cùng chuyên mục