,

Cần cơ sở khoa học cho những quyết sách ứng phó BĐKH

Nếu có được cơ sở khoa học xác thực, điều đó sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đưa ra những quyết định sáng suốt về ứng phó với biến đổi khí hậu, một chuyên gia về biến đổi khí hậu nhận định trong cuộc họp báo “Quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu” cuối tuần qua ở Hà Nội.

Trong cuộc họp báo, TS Christopher Field - đồng chủ tịch nhóm công tác số II của Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) - cho biết, Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, vừa là nguy cơ rủi ro từ thiên tai nhưng cũng là cơ hội phát triển. Có cơ sở khoa học xác thực, điều đó sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đưa ra những quyết định sáng suốt về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các chính sách liên quan đến mô hình nước biển dâng, sản lượng mùa vụ và cơ cấu cây trồng...

IPCC không đưa ra dự đoán cụ thể nào về kịch bản biến đổi khí hậu sát với Việt Nam, bởi tác động của biến đổi khí hậu phụ thuộc vào dân nơi đó làm gì và quyết sách của chính quyền ra sao, TS Christopher Field cho biết.

Tuy vậy, TS Field lại đưa ra ba dự đoán về biến đổi khí hậu trong thời gian tới sẽ là, việc nước biển dâng sẽ không chỉ tác động chưa rõ như hiện nay mà sẽ nhân lên rất nhiều khi bị tác động bởi hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến.

Bên cạnh đó, biến đổi khí cũng sẽ làm gia tăng yếu tố gây ô nhiễm, ở điều kiện thông thường cũng có thể gây tác động khôn lường. Ngoài ra, nắng nóng sẽ khắc nghiệt hơn, tác động qua lại của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ phức tạp hơn nhiều.

Chia sẻ nhận định của TS Christopher Field, GS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn&Biến đổi Khí hậu, cho biết, năm 2010 là năm El- Nino của Việt Nam, đến cuối hoặc đầu sang năm sẽ chuyển qua hiện tượng La-Nina, lúc đó thay vì khô hạn sẽ mưa nhiều.

IPCC là tổ chức khoa học chịu trách nhiệm biên soạn các báo cáo đặc biệt cung cấp các thông tin khoa học kỹ thuật về biến đổi khí hậu.

TS Christopher Field khẳng định, báo cáo của IPCC là tổng hợp quan điểm và đánh giá của các nhà khoa học trên toàn thế giới. Các kết quả đưa ra dựa trên những kết luận khoa học xác thực”.

Báo cáo của IPCC được sử dụng như một căn cứ khoa học để xây dựng đối sách của các quốc gia trong quản lý rủi ro và tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời có ảnh hưởng rất lớn tới định hướng và quyết sách của Liên hiệp quốc. Dự kiến báo cáo được hoàn thành cuối năm 2011.

Đến nay, phác thảo của báo cáo “Quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu” bao gồm chín chương đề cập đến các vấn đề khoa học về biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương, các tác động của biến đổi khí hậu, sự thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan và vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong quản lý đối phó với thảm họa thiên tai. Bản báo cáo đặc biệt này sẽ xem xét các biện pháp mà các Chính phủ và người dân tiến hành để có thể phục hồi sau những thảm họa thời tiết và khí hậu.

VFEJ.VN

Tin cùng chuyên mục