,

Số liệu của hai trạm thủy văn sông Lan Thương sẽ được chia sẻ suốt cả năm trong Hợp tác Mê Công - Lan Thương

Đây là một quyết định quan trọng nhất tại Phiên họp mới đây của Nhóm công tác về hợp tác tài nguyên nước của Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC).

 

Sông Lan Thương có chiều dài hơn 2.400 km phần lớn thuộc địa phận của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với 96 sông suối lớn nhỏ. Hàng năm, sông Lan Thương đóng góp lên tới 15% tổng lượng nước cho dòng chính sông Mê Công. Tuy nhiên, trong mùa khô dòng chảy từ Trung Quốc có thể chiếm tới khoảng 24% và có một vai trò quan trọng đến dòng chảy sông Mê Công ở hạ du. Mặc dù vậy, thông tin số liệu về chế độ dòng chảy và đặc biệt là thông tin về chế độ vận hành của các đập thủy điện trên dòng chính sông Lan Thương từ khi đi vào vận hành tới nay rất ít ỏi. Các quốc gia ở hạ nguồn Mê Công, cộng đồng quốc tế và khu vực có liên quan đã rất quan ngại về mức độ ảnh hưởng của các hoạt động khai thác sử dụng nước trên lưu vực sông Lan Thương. Đặc biệt là sự vận hành của các đập thủy điện có thể gây tác động nghiêm trọng tới chế độ dòng chảy ở hạ du, nhất là trong các đợt hạn hán nghiêm trọng trong những mùa khô gần đây. 

Trước đây, trong thỏa thuận chia sẻ thông tin số liệu giữa Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Trung Quốc, số liệu thủy văn của hai trạm thủy văn Cảnh Hồng trên dòng chính sông Lan Thương, Trung Quốc, và Mãn An trên một dòng nhánh đã được Trung Quốc chia sẻ với Ủy hội. Tuy nhiên, thời gian qua, Trung Quốc mới chỉ đồng ý chia sẻ số liệu thủy văn của hại trạm này trong mùa lũ. Đến năm 2019, trong bối cảnh hợp tác về tài nguyên nước của MLC được đẩy mạnh và các quốc gia thành viên MLC yêu cầu cần có các bước đi mạnh mẽ để tiến tới một cơ chế chia sẻ thông tin số liệu về tài nguyên nước toàn diện và hiệu quả. Trên cơ sở này, một Biên bản ghi nhớ của Nhóm Công tác về Hợp tác nguồn nước về việc cung cấp số liệu thủy văn mùa lũ của hai trạm nêu trên trực tiếp cho các quốc gia thành viên khác đã được ký kết.


Bản ghi nhớ chia sẻ số liệu thủy văn sông Lan Thượng được các Trưởng đoàn ký kết
 
Từ khi thành lập Hợp tác Mê Công – Lan Thương, các quốc gia thành viên đều có chung nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động chia sẻ thông tin số liệu trên toàn lưu vực sông Mê Công và coi đây là hoạt động ưu tiên hàng đầu và là tiền đề cho các hoạt động liên quan trong hợp tác tài nguyên nước nhằm có thể trước mắt giúp các quốc gia thành viên ứng phó kịp thời và hiệu quả với lũ lụt và hạn hán, đặc biệt trong bối cảnh các diễn biến thời tiết cực đoan với cường độ và tần suất diễn ra ngày càng cao nhất là trong mùa khô. Nên ngay từ những ngày đầu, Việt Nam và các quốc gia thành viên MLC ở hạ nguồn luôn đề nghị Trung Quốc mở rộng phạm vi chia sẻ số liệu khí tượng thủy văn cho cả mùa khô và chế độ vận hành các công trình thủy điện trên dòng chính sông Lan Thương. Tuy nhiên, các đề nghị vẫn chưa được phía Trung Quốc đáp ứng ngay.
 
Trong thời gian khoảng 5 năm gần đây, toàn lưu vực sông Mê Công, kể cả lưu vực sông Lan Thương, đã phải hứng chịu các đợt hán hán khốc liệt liên tiếp, như các mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, gây nhiều thiệt hại to lớn cho các quốc gia thành viên, đặc biệt là các quốc gia ở hạ nguồn. Trong bối cảnh đó tiếng nói và sức ép trên các diễn đàn hợp tác và báo chí dư luận trong khu vực đòi hỏi phải nâng cao mức độ chia sẻ thông tin số liệu đang ở mức yếu kém để không chỉ hỗ trợ các quốc gia ven sông ứng phó với tình hình hạn hán cực đoan mà còn giúp xây dựng một cơ chế điều phối cho các hoạt động ứng phó chung trên toàn lưu vực. 
 
Chính vì vậy, Trung Quốc đã có môt số động thái tích cực hơn trong chia sẻ số liệu thượng nguồn. Vào tháng 2/2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập đến khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng chia sẻ số liệu thủy văn cho cả năm đến các quốc gia ở hạ nguồn lưu vực sông Mê Công. Và tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến diễn ra ngày 24 tháng 8 năm 2020, phía Trung Quốc đã chính thức thông báo ý định nói trên. Trên cơ sở này, nhóm công tác Hợp tác nguồn nước Mê Công – Lan Thương tại Phiên họp được tổ chức trực tuyến ngày 24 tháng 9 năm 2020 đã thống nhất nội dung và ký kết Bản ghi nhớ về chia sẻ số liệu thủy văn cả năm của sông Lan Thương (Trung Quốc) cho các quốc gia hạ nguồn với hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 2020. Đây được xem là một bước đi quan trọng trong hợp tác về tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương để tiến tới một cơ chế chia sẻ thông tin của MLC cũng đã được các Thủ tướng nhất trí trong Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao nói trên.


Vị trí các trạm thuỷ văn được chia sẻ số liệu trên sông Lan Thương
 
Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đánh giá: “Các số liệu thủy văn sông Lan Thương, đặc biệt số liệu trong mùa khô, được chia sẻ theo Bản ghi nhớ vừa ký kết sẽ giúp Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả cả về tính kịp thời và chất lượng các bản tin dự báo dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, và sẽ giúp các Bộ, ngành và địa phương thành viên Ủy ban xây dựng các phương án ứng phó kịp thời và hiệu quả, đặc biệt trong mùa khô sắp tới được dự báo sẽ tiếp tục là một đợt hạn mặn lịch sử”.
 
Ông Trung cũng cho biết, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam vẫn đang chia sẻ số liệu thủy văn mùa lũ nhận được của hai trạm của Trung Quốc cho các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, Văn phòng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động chia sẻ này với các số liệu thủy văn tức thời theo chế độ hàng giờ về chế độ dòng chảy sông Lan Thương từ tháng 11/2020 sắp tới.

Monre

Tin cùng chuyên mục