,

Liên Hợp quốc hỗ trợ Việt Nam xử lý kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu

Ngày 5/4/2010 tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo khởi động Dự án "Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ các chất bảo vệ thực vật POP tồn lưu tại Việt Nam".

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, sử dụng hóa chất BVTV và phòng ngừa tác hại là rất cần thiết. Tuy nhiên, do sử dụng và xử lý không đúng quy cách nên các hóa chất này đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường.

Lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trong đất sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho môi trường đất và vi sinh vật trong đất, ảnh hưởng đến sự phân hủy, chuyển hóa chất hữu cơ thành khoáng chất của các vi sinh vật trong đất, làm cho đất bị mất dần chất dinh dưỡng. Hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu có khả năng phát tán xa theo gió khi phun rải, sau đó lắng đọng vào đất và nước, tác động đến các loài của quần thể sinh vật và gây ra những biến đổi tương ứng tới môi trường. 

Dự án có tổng số vốn là 11 triệu USD, trong đó 6,5 triệu đóng góp từ phía Việt Nam và 4,5 triệu là vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và tổ chức Nông lương (FAO) của Liên Hợp Quốc. Dự án bao gồm 3 hợp phần chính: Hợp phần 1: Nâng cao năng lực nhằm loại bỏ các nguồn tồn lưu hóa chất BVTV POP (từ tháng 4/2010, đến tháng 9/2012); Hợp phần 2: Tiêu hủy tất cả các nguồn tồn lưu đã xác định được vị trí và mức độ ô nhiễm (từ tháng 9/2010 đến tháng 6/2011); Hợp phần 3: Nâng cao công tác quản lý hóa chất để ngăn chặn nhập khẩu và sử dụng hóa chất BVTV POP (từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2013).

Hiện nay, Việt Nam đã cấm nhập khẩu và sử dụng các loại hóa chất BVTV thuộc nhóm POP. Tuy nhiên, các kho bãi chứa hóa chất BVTV có từ trước lệnh cấm vẫn đang tồn tại. Theo điều tra gần đây của Bộ TN&MT, trong số 1.135 địa điểm bị ô nhiễm hóa chất BVTV thuộc nhóm POP, có tới 289 kho chứa nằm rải rác tại 35 tỉnh trong cả nước. Trong số này, có tới 89 điểm đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tình trạng kho bãi xuống cấp và rò rỉ hóa chất.

Phó Giám đốc UNDP Việt Nam Christophe Bahuet cho rằng, với Dự án này, Chính phủ Việt Nam thể hiện một nỗ lực lớn nhằm giải quyết vấn đề bức thiết đó. Về lâu dài, Dự án sẽ giúp bảo vệ sức khỏe các thế hệ người Việt Nam hiện tại và tương lai, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong một môi trường không có POP.

Tin cùng chuyên mục