,

Vai trò của công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại trong ứng dụng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia

Ngày 23/11, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phối hợp với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học và công nghệ toàn quốc "Nghiên cứu ứng dụng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia: Vai trò của công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại”. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa tham dự trực tuyến và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cùng nhiều lãnh đạo và đại biểu đến từ Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam…

Hội thảo diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt khi cả nước đang cố gắng thực hiện mục tiêu kép: phát triển kinh tế và phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Hội thảo  diễn ra theo hình thức trực tuyến nhằm giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới trong và ngoài nước, giới thiệu các công nghệ, thiết bị, sản phẩm mới, là dịp để đánh giá đúng tầm quan trọng và vai trò của ngành Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý với xã hội và quốc gia. Đây cũng là diễn đàn để các tổ chức, cá nhân trao đổi để đề xuất phát triển các ứng dụng hữu ích trong kỷ nguyên số quốc gia.

Quang cảnh Hội thảo . Ảnh: Phạm Oanh

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Ngành Đo đạc và Bản đồ đã trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển; có nhiều đóng góp to lớn đối với các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trong quá trình phát triển đất nước, công tác đo đạc bản đồ có vai trò quan trọng, phục vụ cho các ngành, các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội, quản lý lãnh thổ, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Xã hội ngày càng ứng dụng nhiều hơn các sản phẩm của đo đạc và bản đồ, điều đó đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý nhà nước cũng như công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Với tầm quan trọng của thông tin dữ liệu đo đạc bản đồ, hạ tầng không gian địa lý quốc gia được coi là một trong các hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một quốc gia” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh về vai trò và sự cần thiết đầu tư các nguồn lực cho Ngành, đặc biệt là cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nâng cấp hệ thống công trình hạ tầng đo đạc bản đồ cơ bản, các mạng lưới đo đạc quốc gia, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; phát triển các ứng dụng phục vụ xã hội…

Từ những yêu cầu và thách thức đó, Viện khoa học Đo đạc và Bản đồ là đơn vị chủ trì phối hợp với Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Hội Trắc địa Bản đồ - Viễn thám Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học - công nghệ nhằm một lần nữa khẳng định đúng và rõ ràng hơn về vai trò, vị thế và tầm vóc của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia hiện nay, trao đổi kết quả nghiên cứu mới, định hướng cho phát triển ứng dụng, lựa chọn các công nghệ và thiết bị cho tương lai, đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của ngành cũng như nền khoa học đo đạc bản đồ Việt Nam.

“Tôi tin tưởng rằng Hội thảo hôm nay là dấu mốc quan trọng ghi dấu những thành tựu đã đạt được, đồng thời là động lực to lớn cho sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của công tác nghiên cứu khoa học đo đạc và bản đồ trong tương lai” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Vai trò của công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại trong thời kỳ 4.0 

PGS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, ở tất cả các nước phát triển trên thế giới, luôn coi việc hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thông tin không gian địa lý như một nhiệm vụ trọng yếu, phải đi trước một bước. “Chính vì vậy, bước vào giai đoạn 4.0, yêu cầu của đo đạc và bản đồ là thực hiện kết nối dữ liệu theo thời gian thực dựa trên các giải pháp đo đạc lập bản đồ rất nhanh để cập nhật một hệ thống dữ liệu địa lý theo thời gian thực chính xác và đầy đủ”.

Công nghệ thông tin địa lý (GIT) đang được nhắc đến như một công nghệ lớn của thế kỷ 21, bao trùm toàn bộ dữ liệu, công nghệ của đo đạc bản đồ, công nghệ thông tin và truyền thông. GIT được coi như một nền tảng cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và xã hội thông minh. 

Theo TS.Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, trong những năm gần đây, một khái niệm mới “Công nghệ thông tin địa lý” (Geographic Information Technologies - GIT) đã được đề cập đến với phạm vi rộng hơn, hiện đại hơn GIS và nó đã trở thành một thuật ngữ khá phổ biến trong hệ sinh thái địa lý [3]. GIT bao gồm các thành phần: viễn thám (RS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS), công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Sự chấp nhận và tác động rộng rãi của GIT với xã hội ngày nay dựa trên sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, các phương tiện điện tử thông minh, dữ liệu thông tin địa lý đã được khẳng định và được coi trọng “một số hệ thống thông tin có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia - một dạng cơ sở hạ tầng quốc gia, bên cạnh các cơ sở hạ tầng khác”.

Nhìn chung các nền tảng cơ bản về thông tin, dữ liệu, công nghệ, thiết bị đo đạc bản đồ ở Việt Nam cơ bản đáp ứng cho sự phát triển của GIT trong tương lai. Hiện nay, chính phủ cũng như người dân đang đòi hỏi những vấn đề rất cụ thể đối với GIT, đó là vai trò của GIT trong chuyển đổi số, chính phủ điện tử, phát triển NSDI, xây dựng thành phố thông minh (smart city)… Dữ liệu nền cơ sở địa lý quốc gia các tỷ lệ đã phủ trùm lãnh thổ, đáp ứng độ chính xác, mức độ chi tiết và thống nhất, đáp ứng sứ mệnh của Đo đạc và Bản đồ trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử và xây dựng đô thị thông minh.
Với bối cảnh của GIT ở trên thế giới như vậy, cần phải nhìn nhận và định hướng rõ ràng, đầy đủ về sự phát triển của GIT ở Việt Nam trong từ 10 đến 20 năm tới nhằm đánh giá đúng vai trò của dữ liệu không gian địa lý trong tiến trình phát triển của đất nước. Đặc biệt là việc nghiên cứu, phát triển các ứng dụng mới, sản phẩm mới phù hợp với sự phát triển chung của GIT trên thế giới gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo khoa học như: “Đo đạc và Bản đồ 4.0” của GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam; “Công nghệ thông tin địa lý (GIT): xu hướng và sản phẩm mới" của TS. Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học và Đo đạc bản đồ Viêt Nam; “Một số nhiệm vụ và giải pháp xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia" của TS. Hoàng Ngọc Lâm Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; “Vai trò của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ trong quá trình chuyển đổi số quốc gia” của ThS. Bùi Thị Xuân Hồng, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; “Nghiên cứu, tích hợp công nghệ nhằm thiết lập nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian phục vụ chuyển đổi số ngành tài nguyên môi trường - áp dụng thử nghiệm cho quy mô tỉnh/thành phố” của ThS. Nguyễn Tất Thắng, Công ty Công nghệ thông tin Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; “Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý Quốc gia trong thực hiện công tác quy hoạch vùng, tỉnh tại Việt Nam” của TS. Hán Minh Cường, Công ty CP Công nghệ xây dựng ACUD Việt Nam; “Ứng dụng điện toán đám mây và máy học trong theo dõi sự mở rộng của đô thị tại Việt Nam” của ThS.Vũ Thùy Trang, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; “Ứng dụng công nghệ địa không gian xây dựng dữ liệu không gian địa lý 3D cho thành phố thông minh” của PGS. TS. Nguyễn Văn Trung, Trường Đại học Mỏ - Địa chất…

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục