Giải quyết những bất cập thực tiễn
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng, Cục Viễn thám quốc gia, ở Việt Nam, trong những thập kỷ vừa qua, Chính phủ đã hết sức quan tâm đến phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám, trong đó một số trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám đã được xây dựng, vận hành và đang tiếp tục được triển khai xây dựng, lắp đặt trong những năm tới. Tuy nhiên, việc quản lý vận hành, phối hợp giữa các trạm thu, trạm điều khiển còn nhiều bất cập, hoạt động của các hệ thống này còn chưa thực sự hiệu quả, sự phối hợp giữa các đơn vị vận hành, khai thác chưa nhịp nhàng, chưa đáp ứng được nhu cầu về dữ liệu viễn thám của người sử dụng trên cả nước.
Cụ thể, hệ thống trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám của các nước trên thế giới đều do một cơ quan hoạt động trong lĩnh vực viễn thám quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước. Việc thống nhất quản lý này góp phần khai thác sử dụng hiệu quả các trạm thu, trạm điều khiển vệ viễn thám đảm bảo thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám cho các mục đích giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội, phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn một cách kịp thời và không bị trùng lặp. Trong khi đó tại Việt Nam các trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám lại do đơn vị của các Bộ, ngành, địa phương quản lý riêng biệt không phụ thuộc vào các đơn vị khác gây ra sự lãng phí tốn kém trong tác vận hành và khai thác dữ liệu ảnh viễn thám chưa có sự quản lý thống nhất chung của đơn vị quản lý nhà nước về viễn thám.
Mặt khác, ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, cho đến nay hệ thống văn bản quản lý nhà nước về các hoạt động viễn thám còn thiếu và chưa có quy định về riêng về việc quản lý hoạt động của trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực viễn thám gồm: Quyết định số 81/2010/QĐ-TTg ngày 13/12/2010 quy định về thu nhận, lưu trữ, xử lý, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia và Quyết định số 76/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 81/2010/QĐ-TTg nhưng hai Quyết định này chủ yếu tập trung quy định việc thực hiện nhiệm vụ về thu nhận, lưu trữ, xử lý, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia, còn mảng quản lý Nhà nước về viễn thám chưa được đề cập, chưa có các cơ chế, thiết chế cần thiết để thực hiện quản lý Nhà nước, đảm bảo hoạt động viễn thám được diễn ra có trật tự, hiệu quả và có được những định hướng đúng đắn trong phát triển, ứng dụng công nghệ viễn thám trong các ngành có ứng dụng công nghệ này.
Trong khi đó, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2010/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 về Hoạt động viễn thám. Tại khoản d, điều 30, báo cáo về hoạt động viễn thám quy định các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo về hoạt động viễn thám thuộc phạm vi quản lý gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Cục Viễn thám quốc gia trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kỳ báo cáo để Cục Viễn thám tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Báo cáo chính phủ.
Tuy nhiên hiện nay chưa có các văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết nghị định và mẫu nội dung báo cáo về tình hình hoạt động của Trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám nào được ban hành để các đơn vị thực hiện báo cáo theo đúng nội dung. Do đó, việc nghiên cứu các giải pháp quản lý nhà nước với các trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám tại Việt Nam sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước về quản lý và khai thác sử dụng hiệu quả đối với các trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám tại Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng cần đặt ra.
Trước những bất cập của thực tiễn, Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai xây dựng Thông tư quy định về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả đối với các trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám tại Việt Nam. Theo đó, Dự thảo Thông tư khi được Bộ TN&MT ban hành được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu giúp Cục Viễn thám quốc gia thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu dữ liệu ảnh viễn thám của người sử dụng đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư của nhà nước, tránh chồng chéo, lãng phí.
Trạm thu dữ liệu viễn thám trong Dự án "Hệ thống Giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường Việt Nam", có khả năng thu nhận dữ liệu từ vệ tinh trong vùng bán kính 2500km
Sử dụng hiệu quả trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, dự thảo Thông tư gồm 4 Chương, 21 Điều quy định nội dung về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả đối với các trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám. Thông tư được áp dụng đối với các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về viễn thám, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện đo khống chế ảnh vận hành trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám tại Việt nam.
Bên cạnh các nội dung, phương thức quản lý xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, Thông tư cũng quy định việc quản lý hành lang bảo vệ công trình Trạm thu, trạm điều khiển viễn thám.
Theo đó, cơ quan vận hành trạm thu, trạm điều khiển viễn thám có trách nhiệm bảo vệ, thường xuyên quan tâm theo dõi hiện trạng hành lang bảo vệ công trình theo đúng quy định của pháp luật. Khi phát hiện các hành vi vi phạm đối với hành lang bảo vệ bao gồm xây dựng nhà cao tầng, trồng cây lâu năm gây che chắn khuất hay hạn chế tầm nhìn hoặc ảnh hưởng đến sự vững chắc, ổn định của trạm thu, trạm điều khiển hoặc bố trí các vật thể kim loại có khả năng gây can nhiễu ảnh hưởng đến hoạt động của trạm thì cần báo cáo với cơ quan chủ quản và cho thông báo chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý, khắc phục phù hợp.
Đặc biệt, cơ quan chủ quản trạm thu, trạm điều khiển cần cung cấp thông tin về thiết kế cơ sở của hành lang bảo vệ công trình Trạm thu, trạm điều khiển viễn thám cũng như cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Cục Viễn thám quốc gia về những vi phạm và tác động đó.
Đối với việc vận hành trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, dự thảo Thông tư quy định cơ quan chủ trì vận hành trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám có trách nhiệm xây dựng quy trình vận hành trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, bao gồm đầy đủ các bước thực hiện và sản phẩm của từng công đoạn. Xây dựng cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm, yêu cầu về trình độ năng lực, trình độ chuyên môn tương ứng với các hạng mục công việc tại mỗi trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám. Biên soạn tài liệu hướng dẫn vận hành trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám. Đồng thời lập sổ ghi chép hoạt động tác nghiệp, kết quả thực hiện của mỗi phiên thu nhận/ điều khiển.
Đối với giải pháp xây dựng báo cáo tổng hợp về hiện trạng hoạt động của các trạm thu trạm điều khiển vệ tinh viễn thám trên cả nước, dự thảo Thông tư quy định rõ: Trên cơ sở nội dung các báo cáo định kỳ (hàng năm, hàng quý) và đột xuất cũng như kết quả các chuyến công tác kiểm tra đánh giá tại chỗ, Cục Viễn thám quốc gia tiến hành đánh giá, phân tích tổng thể về năng lực hoạt động, khả năng vận hành, cung cấp các loại dữ liệu, sản phẩm ảnh viễn thám đáp ứng nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương; đánh giá mức độ phù hợp so với định hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, mức độ tiên tiến, hiện đại của công nghệ sử dụng so với xu thế phát triển, trình độ khoa học, công nghệ của thế giới và khu vực.
Từ đó xây dựng báo cáo tổng hợp về hiện trạng hoạt động của các trạm thu dữ liệu và trạm điều khiển vệ tinh viễn thám trên phạm vi cả nước và tham mưu, đề xuất với Nhà nước, các cơ quan chủ quản trạm thu, trạm điều khiển các giải pháp, phương án, kế hoạch điều chỉnh, bổ sung, đâu tư, nâng cấp phù hợp để đảm bảo khai thác hiệu quả nhất hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có cũng như phát triển lâu dài trong tương lai.