Ứng dụng viễn thám giám sát tài nguyên
Theo ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục Viễn thám quốc gia là cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 hỗ trợ, hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý để tăng cường công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong các hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương; tiếp tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực viễn thám, trong đó hướng dẫn và quy định rõ trách nhiệm trong ứng dụng và công tác quản lý nhà nước về viễn thám tại địa phương; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám phù hợp với từng lĩnh vực ngành TN&MT đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về viễn thám.
Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, khai thác, sử dụng công nghệ viễn thám trong giám sát, quản lý tài nguyên và môi trường cho cán bộ chuyên môn của các Sở; hỗ trợ địa phương trong xây dựng kế hoạch, đề án, dự án về viễn thám trong địa bàn; đầu tư kinh phí, triển khai các chương trình, đề án, dự án ứng dụng viễn thám tại địa phương để đẩy mạnh được việc ứng dụng công nghệ viễn thám và nâng cao được trình độ quản lý về lĩnh vực viễn thám tại địa phương.
Cục cũng chú trọng tới việc đầu tư trang thiết bị, cung cấp cơ sở dữ liệu, chuyển giao công nghệ viễn thám, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn, tạo thuận lợi cho địa phương trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám; xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia thống nhất với cơ sở dữ liệu TN&MT cung cấp các dữ liệu ảnh viễn thám đã qua sử dụng, đa dạng hóa và làm phong phú nguồn dữ liệu trong cơ sở dữ liệu viễn thám tại địa phương.
Cùng với đó, Cục Viễn thám quốc gia cũng cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 phục vụ công tác nghiên cứu khoa học để phát triển lĩnh vực viễn thám. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã góp phần xác lập các cơ sở khoa học thực tiễn phục vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành viễn thám, các quy chuẩn, tiêu chuẩn viễn thám; Nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thám, công nghệ quan trắc giám sát tài nguyên môi trường, thiên tai bằng công nghệ viễn thám.
Hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, siêu dữ liệu viễn thám bao gồm dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 đang được xây dựng và cập nhật cùng với việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến về dữ liệu viễn thám cho mọi tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng. Hạ tầng viễn thám cũng được hoàn thiện đồng bộ với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, trong đó sẽ đầu tư trang bị hai trung tâm thu nhận dữ liệu viễn thám từ vệ tinh tại Hà Nội và Bình Dương. Hệ thống truyền dẫn dữ liệu viễn thám cũng được hoàn thiện bảo đảm cung cấp và xử lý dữ liệu viễn thám kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước và các trường hợp khẩn cấp như phòng tránh thiên tai, thảm họa hoặc các sự cố môi trường.
Mặc dù ứng dụng viễn thám đã đóng góp không nhỏ cả về phương diện khoa học và quản lý trong việc làm chủ công nghệ, tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao về viễn thám trong ngành TN&MT vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, việc làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ viễn thám trong ngành TN&MT, phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của đất nước là cần thiết.
Ứng dụng viễn thám giám sát xói lở bờ biển
Đưa viễn thám ứng dụng rộng rãi đa ngành, đa lĩnh vực
Theo ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, nhiệm vụ then chốt của ngành Viễn thám trong giai đoạn tiếp theo là phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, đưa công nghệ viễn thám thực sự trở thành công nghệ ứng dụng phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước; liên kết và thực hiện xã hội hóa về ứng dụng công nghệ viễn thám.
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành viễn thám sẽ tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò quan trọng trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước. Trong đó, chú trọng việc xây dựng và hình thành chính sách quốc gia và khung pháp lý về ứng dụng và phát triển viễn thám, trước mắt xây dựng và hoàn thiện Nghị định về quản lý hoạt động viễn thám tạo hành lang pháp lý cho hoạt động viễn thám; hoàn thiện chiến lược phát triển viễn thám trong 10 năm tầm nhìn đến 20 năm; tăng cường đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ, bảo đảm ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, tăng cường phối hợp hoạt động ứng dụng và phát triển viễn thám ở cấp Trung ương; đồng thời từng bước kiện toàn về mặt tổ chức, cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám ở địa phương.
Thời gian tới, Cục cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ rộng rãi và thường xuyên cho nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, khai thác, sử dụng công nghệ viễn thám trong giám sát, quản lý tài nguyên và môi trường cho cán bộ chuyên môn của các Sở trong cả nước.