,

Đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ viễn thám

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Cục Viễn thám quốc gia chủ trì tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030 của lĩnh vực viễn thám. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Bộ TN&MT (2002 – 2022) và chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (18/5).

* Khoa học công nghệ viễn thám phục vụ phát triển bền vững đất nước

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, thành tựu nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2011-2021 của lĩnh vực viễn thám được gắn liền với việc triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2016 - 2020 với tên gọi “Nghiên cứu công nghệ viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế xã hội”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo đó, các kết quả nghiên cứu KH&CN đã có đóng góp rất lớn cho việc hình thành cơ chế, chính sách pháp luật về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thám ở Việt Nam, đồng thời cung cấp các cơ sở khoa học phục vụ cho việc quy hoạch các thiết bị và vệ tinh viễn thám và hỗ trợ quá trình xây dựng triển khai và thực hiện các đề án chế tạo thiết bị, vệ tinh viễn thám theo đúng chiến lược, đáp ứng được tối đa các nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám góp phần phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu KH&CN lĩnh vực viễn thám giai đoạn này vẫn còn những bất cập, hạn chế như: thiếu nguồn cán bộ khoa học giỏi, tâm huyết phù hợp với định hướng phát triển; thách thức về đầu tư thiết bị - công nghệ;...

Vì vậy, tại Hội thảo này, ông Nguyễn Quốc Khánh mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của lãnh đạo quản lý của các đơn vị trong và ngoài Bộ về khả năng ứng dụng, mức độ ưu tiên, ý tưởng đặt hàng để nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực viễn thám có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa, đặc biệt, đối với những hướng nghiên cứu có thể tạo ra các sản phẩm khoa học mang ý nghĩa quan trọng cho ngành TN&MT nói riêng và cho đất nước nói chung.

* Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về viễn thám

Theo ông Nghiêm Văn Tuấn, Trưởng phòng KHCN và Hợp tác quốc tế, Cục Viễn thám quốc gia, trong giai đoạn tới, định hướng về KH&CN trong lĩnh vực viễn thám của Bộ TN&MT đến năm 2030 sẽ được đổi mới đồng bộ, triệt để theo các định hướng và quy định của pháp luật về viễn thám hiện nay. Cùng với đó tiếp tục nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến và ứng dụng hiệu quả công nghệ viễn thám phục vụ công tác điều tra cơ bản và quản lý nhà nước về TN&MT.

Ông Nghiêm Văn Tuấn, Trưởng phòng KHCN và Hợp tác quốc tế, Cục Viễn thám quốc gia chia sẻ về định hướng nghiên cứu KH&CN về lĩnh vực viễn thám trong thời gian tới

Theo đó, các đề tài nghiên cứu KH&CN sẽ tập trung nghiên cứu tạo lập được cơ sở khoa học và thực tiễn hoàn thiện vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu.

Phát triển một số công nghệ viễn thám then chốt, hiện đại kết hợp với công nghệ cao, tiên tiến phù hợp với xu hướng công nghệ trên thế giới và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.

Đồng thời, ứng dụng rộng rãi, chuyển giao công nghệ viễn thám, dữ liệu viễn thám từ trung ương tới địa phương đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Bà Vũ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT đề xuất một số giải pháp để thực hiện thành công các nhiệm vụ của KH&CN về viễn thám trong thời gian tới

Tại Hội thảo, bà Vũ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện thành công các nhiệm vụ của KH&CN về viễn thám trong thời gian tới, đó là: Tập trung nghiên cứu, làm chủ công nghệ theo các nhóm công nghệ ưu tiên, các công nghệ viễn thám hiện đại phục vụ trực tiếp cho điều tra, quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường; Tăng cường sự phối hợp giữa Cục Viễn thám quốc gia với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, các Bộ liên quan và đặc biệt là với các địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các đơn vị trong, ngoài Bộ, các địa phương.

Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo với các Viện nghiên cứu, các Trường đại học trong nước và quốc tế; đẩy mạnh liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và các doanh nghiệp nhằm đưa công nghệ viễn thám phục vụ thiết thực cho quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp chuyển giao công nghệ giữa Cục Viễn thám với các đơn vị trong nước, đặc biệt là nước ngoài để xây dựng, đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ về viễn thám.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Đặc biệt, tập trung xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực viễn thám, đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ quy mô lớn được Bộ tài nguyên và Môi trường, Chính phủ giao; hợp tác với các chuyên gia, tổ chức về viễn thám của các nước trong khu vực và thế giới.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục