,

Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ

 
  
Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV
 
Chiều 14/6, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ. Với 451/452 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ.

Trước khi các Đại biểu tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ. Báo cáo nêu rõ:

Ngày 01/6/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ (ĐĐ&BĐ). Hầu hết ý kiến của các vị đại biểu quốc hội (ĐBQH) tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình Quốc hội. Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau Phiên họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) phối hợp với Ban soạn thảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua. Cụ thể:
 
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp
 
Về những quy định chung (Chương I), có ý kiến ĐBQH đề nghị phạm vi điều chỉnh (Điều 1) nên viết gọn lại cho phù hợp hoạt động ĐĐ&BĐ đã quy định tại Khoản 4 Điều 3.

UBTVQH báo cáo: Theo cách thể hiện của một số luật mới được Quốc hội ban hành gần đây, phạm vi điều chỉnh được liệt kê tên tất cả các chương, trừ chương Quy định chung và chương Điều khoản thi hành, Dự thảo Luật cũng được thể hiện theo cách này. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Điều 1 Dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một số vấn đề về nguyên tắc trong hoạt động ĐĐ&BĐ (Điều 4) như:

(i) bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí.

UBTVQH nhận thấy ý kiến trên là xác đáng, đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và chỉnh sửa Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 như trong Dự thảo Luật;

(ii) bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên không và trên biển; đảm bảo bí mật nhà nước.

UBTVQH báo cáo: Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật đã quy định bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đúng như Điều 1 Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, hoạt động ĐĐ&BĐ ngoài việc phải tuân theo các quy định của Luật này, còn phải tuân thủ các pháp luật có liên quan trong đó có pháp luật về bí mật nhà nước và đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 41 của Dự thảo Luật. Do đó, xin phép Quốc hội không bổ sung các vấn đề nêu trên vào Điều 4 Dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị gộp Điều 9 với Điều 4; bổ sung vào Điều 9 quy định ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí hoạt động ĐĐ&BĐ cho các tỉnh nghèo theo tỷ lệ trợ cấp cân đối.

UBTVQH báo cáo: Điều 4 quy định về các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động ĐĐ&BĐ; Điều 9 quy định về tài chính cho hoạt động ĐĐ&BĐ, vì vậy không nên gộp lại với nhau. Việc hỗ trợ ngân sách trung ương cho các địa phương đã được quy định rất cụ thể trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Vì vậy, xin phép Quốc hội cho được giữ nguyên như trong Dự thảo Luật.
 

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ
 
Về đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính (Điều 19), có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét lại quy định về trách nhiệm của Bộ Nội vụ tại Khoản 4 Điều 19.
UBTVQH nhận thấy, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong ĐĐ&BĐ về địa giới hành chính đã được quy định tại Điều 29 của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, xin Quốc hội cho phép bỏ nội dung quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ tại Điều này để bảo đảm thống nhất của pháp luật.

Về yêu cầu, nguyên tắc và các trường hợp chuẩn hóa địa danh (Điều 20) và trách nhiệm chuẩn hóa địa danh, sử dụng địa danh đã được chuẩn hóa (Điều 21)

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung nguyên tắc “lịch sử” và phải được La-tinh hóa vào Khoản 3 Điều 20; bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc chuẩn hóa địa danh vào Khoản 1 Điều 21.

UBTVQH báo cáo: Dự thảo Luật quy định chuẩn hóa địa danh là quá trình xác minh, thống nhất cách đọc, cách viết tiếng Việt về tên của đối tượng địa lý (Điều 20); các nguyên tắc chuẩn hóa địa danh được quy định trên cơ sở các nguyên tắc chuẩn hóa địa danh của Liên hợp quốc khuyến cáo và thực tiễn triển khai chuẩn hóa địa danh ở nước ta. Đồng thời, Dự thảo Luật quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh tổ chức triển khai việc chuẩn hóa địa danh, thống nhất và ban hành danh mục địa danh đã được chuẩn hóa; xây dựng, cập nhật, công bố cơ sở dữ liệu địa danh đã được chuẩn hóa (Khoản 1 Điều 21). Do đó, xin Quốc hội cho giữ nguyên các quy định tại Điều 20 và Điều 21 như trong Dự thảo Luật.

Về đo đạc và bản đồ quốc phòng, có ý kiến ĐBQH đề nghị chuyển nhiệm vụ xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 và nhỏ hơn tại điểm c Khoản 1 Điều 16 về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng quy định tại Khoản 4 Điều 27; bổ sung vào Điều 16 quy định Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm xây dựng, cập nhật dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỉ lệ trung bình và nhỏ hơn; chỉnh sửa điểm đ Khoản 1 Điều 24 thành “Các hoạt động ĐĐ&BĐ khác kết hợp nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế ”.

Về các vấn đề nêu trên, UBTVQH báo cáo: Việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 và nhỏ hơn; xây dựng, cập nhật dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỉ lệ trung bình và nhỏ hơn là hoạt động ĐĐ&BĐ cơ bản đã được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tại điểm b khoản 12 Điều 2 Nghị định 36/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đối với Bộ Quốc phòng, trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐĐ&BĐ được quy định tại khoản 3 Điều 57 Dự thảo Luật. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện các nhiệm vụ ĐĐ&BĐ khác do Chính phủ giao quy định tại điểm e khoản 3, trong đó có hoạt động ĐĐ&BĐ kết hợp nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế. Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ các quy định tại Điều 16, Điều 24 và Điều 27 như Dự thảo Luật.
 

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ
 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (bên trái) cùng các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ
 

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ
 

Đại biểu Quốc hội chúc mừng Bộ trưởng Trần Hồng Hà sau khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ
 
Về đo đạc, thành lập bản đồ địa chính (Điều 25), có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét lại quy định Khoản 1 Điều 25 chưa phù hợp với Khoản 4 Điều 3 của Luật Đất đai.

UBTVQH báo cáo: Luật Đất đai năm 2013 tại Khoản 4, Điều 3 giải thích khái niệm bản đồ địa chính còn mang tính khái quát, chưa cụ thể. Tại Khoản 1 Điều 25 Dự thảo Luật quy định về bản đồ địa chính đã chi tiết hơn, phù hợp với thực tiễn và không mâu thuẫn với Luật Đất đai. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ nguyên như Khoản 1 Điều 25 của Dự thảo Luật.

Về đo đạc, thành lập hải đồ (Điều 27), có ý kiến ĐBQH cho rằng việc thể hiện nội dung tại các Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 27 về đo đạc, thành lập hải đồ là không rõ ràng, thống nhất và đồng bộ giữa các khoản trong một điều. UBTVQH nhận thấy ý kiến trên là xác đáng, đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và thể hiện lại như trong Dự thảo Luật.

Về thành lập bản đồ hành chính (Điều 26):

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung bản đồ hành chính cấp xã vào Khoản 1 Điều 26. UBTVQH báo cáo: Bản đồ hành chính là bản đồ thể hiện sự phân chia lãnh thổ theo đơn vị hành chính trong quốc gia. Đơn vị hành chính cấp xã là cấp nhỏ nhất, trong đó không có sự phân chia lãnh thổ. Vì vậy, UBTVQH xin được giữ nguyên như Dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung bản đồ hành chính đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào Khoản 1 Điều 26. UBTVQH nhận thấy đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện trực thuộc cấp tỉnh; việc thành lập bản đồ hành chính đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tương tự như thành lập bản đồ hành chính cấp huyện. Do vậy, UBTVQH xin không bổ sung quy định thành lập bản đồ hành chính đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào trong Dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung nội dung quy định về chỉnh lý biến động bản đồ hành chính các cấp. UBTVQH nhận thấy ý kiến trên là chính xác, đã chỉ đạo chỉnh lý Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 theo hướng bổ sung nội dung quy định về cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ hành chính Việt Nam, cấp tỉnh, cấp huyện như trong Dự thảo Luật.

Về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm (Điều 29), có ý kiến ĐBQH đề nghị giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm (Khoản 2 Điều 29).

Về vấn đề này, UBTVQH giải trình: Đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm là hoạt động ĐĐ&BĐ chuyên ngành; Dự thảo Luật quy định Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm là phù hợp với sự phân công của Chính phủ được quy định tại Nghị định số 81/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm trừ công trình ngầm phục vụ cho quốc phòng, an ninh. UBTVQH xin báo cáo như sau: Công trình ngầm phục vụ cho quốc phòng, an ninh là những công trình quan trọng, nếu thuộc danh mục bí mật quốc gia thì được quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Dự thảo Luật: “Thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ thuộc danh mục bí mật nhà nước phải được bảo mật theo quy định của pháp luật và phải được bảo đảm an ninh, an toàn”. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung quy định trên vào Dự thảo Luật.

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 32), có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định, làm rõ cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động ĐĐ&BĐ; quy định hoạt động ĐĐ&BĐ chỉ áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; quy định trách nhiệm thẩm định và cho phép sử dụng các công nghệ mới trong hoạt động ĐĐ&BĐ.

Về vấn đề này UBTVQH xin được báo cáo như sau: Điều 57, Điều 58 Dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động ĐĐ&BĐ cơ bản và hoạt động ĐĐ&BĐ chuyên ngành của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh. Riêng quy định về trách nhiệm thẩm định và cho phép sử dụng các công nghệ mới trong hoạt động ĐĐ&BĐ được thực hiện theo pháp luật về chuyển giao công nghệ. Vì vậy, xin Quốc hội không bổ sung các quy định nói trên vào Dự thảo Luật.

Về cơ sở dữ liệu ĐĐ&BĐ (Điều 40), có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung vào Điều 40 quy định về tần suất cập nhật dữ liệu ĐĐ&BĐ.

Về ý kiến nêu trên, UBTVQH nhận thấy cơ sở dữ liệu ĐĐ&BĐ bao gồm nhiều lớp thông tin dữ liệu khác nhau được quy định tại Điều 39. Do đó, tần suất cập nhật dữ liệu ĐĐ&BĐ cũng rất khác nhau và được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về ĐĐ&BĐ. Trong Dự thảo Luật, tại Khoản 2 Điều 4 đã quy định “Thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời…”; Khoản 3 Điều 16 quy định “Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phải được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của Chính phủ.”. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ nguyên Điều 40 của Dự thảo Luật.

Về lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ (Điều 41)

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung cụm từ “cơ sở khoa học, có đủ độ chính xác và tin cậy cần thiết” vào cuối điểm b Khoản 5 Điều 41. UBTVQH cho rằng, điểm b Khoản 5 Điều 41 quy định về thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ sử dụng trong các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải có nguồn gốc rõ ràng. Việc bảo đảm độ chính xác, tin cậy và cơ sở khoa học của thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chịu trách nhiệm đã quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 41. Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung trên vào Dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung vào điểm c Khoản 5 Điều 41 quy định về miễn, giảm phí, lệ phí cho thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ phục vụ phục vụ mục đích an sinh xã hội. UBTVQH nhận thấy, những đối tượng cần được bảo đảm an sinh xã hội bao gồm: Trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… là các đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật phí và lệ phí năm 2015. Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ nguyên khoản 5 Điều 41 của Dự thảo Luật.

Về giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 51)

Có ý kiến ĐBQH đề nghị đề nghị gộp Khoản 7 và Khoản 8 Điều 51. UBTVQH xin báo cáo như sau:  Khoản 7 quy định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm cấp, bổ sung, gia hạn, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động ĐĐ&BĐ. Khoản 8 giao Chính phủ quy định chi tiết về thời hạn, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp, bổ sung, gia hạn, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động ĐĐ&BĐ. Quy định như vậy là rõ ràng, phù hợp và không cần thiết phải gộp lại.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét cấp giấy phép hoạt động ĐĐ&BĐ theo hướng xã hội hóa hoạt động ĐĐ&BĐ. UBTVQH cho rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay việc quy định cấp giấy phép hoạt động ĐĐ&BĐ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để thống nhất quản lý là phù hợp. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho thể hiện quy định về giấy phép hoạt động ĐĐ&BĐ như Điều 51 Dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung vào Khoản 2 Điều 51 quy định về phạm vi hoạt động của tổ chức nước ngoài trong giấy phép hoạt động ĐĐ&BĐ; bổ sung vào khoản 6 quy định các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. UBTVQH nhận thấy, các ý kiến trên là hợp lý và đã chỉ đạo thể hiện tại Khoản 2 và Khoản 6 Điều 51 của dự thảo Luật.

Về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 52) và chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 53)

Có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét lại quy định tại Khoản 2 Điều 52 liên quan đến giấy phép hoạt động ĐĐ&BĐ của nhà thầu nước ngoài cho phù hợp với thực tế và pháp luật hiện hành; quy định tại Khoản 4 Điều 53 về chứng chỉ hành nghề ĐĐ&BĐ và tiêu chí phân chứng chỉ hạng I và hạng II; quy định rõ những vấn đề liên quan đến sát hạch khi cấp mới, cấp đổi, cấp lại và gia hạn chứng chỉ hành nghề ĐĐ&BĐ… Nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Khoản 2 Điều 52 và Khoản 9 Điều 53 như Dự thảo Luật.

Về quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ (Chương VIII), có ý kiến ĐBQH đề nghị tách Khoản 2 Điều 58 quy định riêng trách nhiệm UBND cấp huyện và UBND cấp xã; chỉnh sửa Khoản 2 Điều 59 phù hợp với Khoản 10 Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

UBTVQH xin tiếp thu các ý kiến nêu trên và đã chỉ đạo chỉnh lý Khoản 2, bổ sung Khoản 3 Điều 58 và điểm a Khoản 2 Điều 59 như Dự thảo Luật.

Ngoài những vấn đề nêu trên, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều điều, khoản của Dự thảo Luật theo ý kiến góp ý của các vị ĐBQH như: bổ sung giải thích từ ngữ về mốc đo đạc,  bỏ từ “atlat” tại Điều 22 và Điều 31; bổ sung cụm từ “bảo trì” vào sau cụm từ “vận hành” tại Khoản 4 Điều 36; chỉnh sửa quy định tại Khoản 4 Điều 38; chỉnh lý Điều 55 và Điều 56 để tránh trùng lặp; chỉnh sửa điểm a Khoản 2 Điều 59 để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương…; đồng thời rà soát, chỉnh lý kỹ thuật văn bản của Dự thảo Luật.
 

Monre

Tin cùng chuyên mục