,

Hội thảo khoa học bàn về giải pháp quản lý và mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt

 
 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo
 
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo khoa học bàn về giải pháp quản lý và mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng và lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia và các doanh nghiệp.

 Hiện nay, cùng với việc tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nước ta ngày càng lớn. Theo báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn vào khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85 %; tại khu vực nông thôn trung bình đạt khoảng 40-55%. Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay bước đầu đã có kết quả nhất định, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa được quản lý, xử lý và thải bỏ một cách an toàn, đây chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, nhiều trường hợp gây mất an ninh trật tự địa phương do người dân phản đối.

Do vậy, Thứ trưởng đề nghị tại Hội thảo này, các vị đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm thành công, thuận lợi và khó khăn, vướng mắc đang gặp phải của các địa phương trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm việc giảm thiểu phát sinh, phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý. Trên cơ sở đó, thảo luận, đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp để tăng cường công tác này trong thời gian tới. Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung góp ý cho dự thảo "Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn" để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
 
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường phát biểu tại Hội thảo
 
Đại diện Tổng cục Môi trường - ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải báo cáo hiện trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó nêu rõ hiện trạng và những bất cập; khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay
"Đặc biệt là khó khăn hiện nay trong các phương pháp xử lý, chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã). Theo số liệu ước tính khoảng 36% số hộ ở cấp xã tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức như chôn lấp, làm chất độn chuồng và phổ biến nhất là đốt thủ công ngay trong vườn nhà; chất thải rắn được đổ tại các bãi rác tạm" - Ông Nguyễn Thượng Hiền báo cáo, nêu lên hiện trạng bất cập trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Đại diện Tổng cục Môi trường cũng khái quát, tổng hợp các cơ chế, chính sách liên quan; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và đề xuất các định hướng, giải pháp quản lý phù hợp trong thời gian tới.

Tại Hội thảo đã nêu ra nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp quy hoạch; phân công trách nhiệm của các cơ quan trung ương và địa phương; nguồn lực thực hiện; các công nghệ xử lý chất thải; mô hình thu gom, quản lý; đặc biệt các giải pháp để nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường nhất là trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đại diện các Bộ, các chuyên gia và các doanh nghiệp cũng phát biểu, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh ở Việt Nam trong thời gian tới.
 

Toàn cảnh Hội thảo
 
Phát biểu kết luận Hội thảo khoa học, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao các trao đổi, thảo luận và ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo. “Các ý kiến này sẽ là những thông tin hữu ích để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đưa ra những định hướng sắp tới trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là hoàn thiện dự thảo Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ đối với nội dung chất thải rắn sinh hoạt theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050”.

Thứ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành để đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ trong công tác quản lý chất thải rắn, đảm bảo quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch trong công tác đầu tư, thu hút được nguồn lực xã hội hóa trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng quy hoạch chất thải rắn gắn với các quy chuẩn, tiêu chuẩn để thực hiện đảm bảo đồng bộ, hiệu quả,...

"Tổng cục Môi trường chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất một số mô hình xử lý chất thải có hiệu quả để giới thiệu, khuyến cáo cho các địa phương xem xét áp dụng" - Song song với việc đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách tổng thể, Thứ trưởng Võ Tuấn mong muốn có được những mô hình, kinh nghiệm hay để có thể áp dụng ngay trong thực tiễn quản lý chất thải sinh hoạt tại mỗi địa phương./.
 

Monre

Tin cùng chuyên mục