,

Công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt – Trung đến năm 2020

Ngày 29/1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã chủ trì Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt – Trung đến năm 2020. Đến dự có đại diện chính quyền và sở Xây dựng 7 tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc.

Xây dựng mới khoảng 130 điểm, cụm trung tâm xã

Theo Quyết định số 1151/QĐ-TTg ký ngày 30/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, vùng biên giới Việt – Trung gồm 7 tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc là Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Tổng diện tích đất tự nhiên 5.126.329 ha. Về tính chất, vùng biên giới Việt – Trung là vùng kinh tế tổng hợp, trong đó kinh tế cửa khẩu, công nghiệp khai khoáng là ngành kinh tế chủ đạo; là vùng cửa ngõ phía Bắc của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Việt Nam và quan hệ mật thiết về kinh tế với các tỉnh phía Nam và Đông Nam Trung Quốc; là vùng có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái; có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng đối với cả nước.

Mục tiêu mà đồ án quy hoạch hướng tới là góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với an ninh, quốc phòng, phát huy tiềm năng và nguồn lực của các tỉnh trong vùng, làm cơ sở chỉ đạo, quản lý việc xây dựng theo quy hoạch trong vùng.

Đồ án dự báo, dân số toàn vùng đến năm 2010 khoảng 4.829.700 người, năm 2020 khoảng 5.710.000 người. Đất xây dựng đô thị đến năm 2010 khoảng 22.870 ha, bình quân 120 - 135 m2/người và đến năm 2020 khoảng 40.250 ha, bình quân 115 - 140 m2/người. Đồ án đặc biệt chú trọng phát triển điểm dân cư nông thôn. Theo đó sẽ di chuyển, ổn định cho khoảng 5.600 hộ (khoảng 28.800 người) ra sát vùng biên giới, đến năm 2010 ổn định đời sống cho khoảng 97.300 hộ (khoảng 512.800 người cư trú trên 2.075 thôn) theo Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2010; xây dựng mới khoảng 130 điểm, cụm trung tâm xã (quy mô tối thiểu từ 15 - 50 hộ/điểm, cụm).

Kinh tế cửa khẩu, công nghiệp khai khoáng là ngành chủ đạo

Đồ án phân vùng phát triển kinh tế thành các vùng kinh tế động lực chủ đạo có tiềm năng phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ và Các vùng kinh tế động lực thứ cấp. Cụ thể, vùng kinh tế động lực chủ đạo có tiềm năng phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ gồm vùng kinh tế phía Tây với thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) nằm trên hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai; vùng kinh tế phía Đông với thành phố Lạng Sơn và các huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn, nằm trên hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn; vùng kinh tế ven biển từ thành phố Hạ Long đến Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm trên vòng cung kinh tế vịnh Bắc Bộ.

Các vùng kinh tế động lực thứ cấp gồm vùng kinh tế I nằm dọc quốc lộ 2 qua thị xã Hà Giang và các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê (phát triển đô thị, công nghiệp chế biến, cơ khí, vật liệu xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp); vùng kinh tế II nằm dọc tuyến quốc lộ 12 nối quốc lộ 4Đ, quốc lộ 32 qua các huyện Phong Thổ, thị xã Lai Châu, huyện Tam Đường, huyện Than Uyên (Lai Châu)  phát triển đô thị, công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, dịch vụ, nông lâm nghiệp; vùng kinh tế III nằm dọc tuyến hành lang phát triển thủy điện Sơn La, thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ (Lai Châu), thị xã Mường Lay, huyện Mường Chà, Tuần Giáo (Điện Biên) phát triển công nghiệp thủy điện, chế biến, khai khoáng, dịch vụ đô thị và nông, lâm nghiệp.

Ngoài ra, căn cứ vào các nguồn tiềm năng của các địa phương, phát triển các vùng công nghiệp khai thác khoáng sản, các vùng du lịch văn hóa-sinh thái-nghỉ dưỡng, nhất là các vùng kinh tế mậu biên.

Hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn được bố trí theo dạng liên kết - hỗ trợ

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn đến năm 2020, đồ án xác định hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn dọc tuyến hành lang biên giới Việt - Trung được bố trí theo dạng liên kết - hỗ trợ, phân bố đều theo khoảng cách giữa các lưới đường giao thông cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Các đô thị dịch vụ - thương mại cửa khẩu là đô thị động lực hoặc đô thị hạt nhân gắn kết, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các đô thị khác, nhất là các điểm dân nông thôn trong vùng (trung tâm xã hoặc trung tâm cụm xã). Xây dựng phát triển các đô thị và cụm đô thị có chức năng tổng hợp là điểm địa đầu quan trọng của quốc gia gắn kết trực tiếp với các vị trí giao thoa giữa hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị chính và các vành đai biên giới liên kết Đông - Tây trong mối quan hệ quốc gia và quốc tế đi qua các cửa khẩu vùng biên giới Việt - Trung. Xây dựng các khu kinh tế quốc phòng gắn kết với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại tuyến vành đai 2 (quốc lội 279) để hình thành hệ thống đô thị làm cầu nối giữa các đô thị miền núi và trung du. Mở rộng, nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm liên xã và trung tâm các xã để tạo hạt nhân hoặc liên kết hỗ trợ phát triển các khu dân cư nông thôn.

Chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông

Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, theo đồ án, đường bộ sẽ gồm hệ thống đường vành đai và hệ thống đường nan quạt. Cụ thể, đường vành đai nâng cấp sẽ hoàn chỉnh toàn tuyến vành đai 1 trên cơ sở hệ thống quốc lộ 4 (4C, 4D, 4E), quốc lộ 34; xây dựng thêm một số đoạn tuyến để thông tuyến liên tục; hoàn chỉnh vành đai 2 theo tuyến quốc lộ 279 hiện nay. Đường vành đai xây dựng mới: hoàn chỉnh tuyến đường hành lang biên giới theo dự án đường biên giới do Bộ Quốc phòng đang triển khai; xây dựng mới 2 đoạn tuyến trên hệ thống đường vành đai 1, bao gồm: đoạn nối từ Bảo Lạc (Cao Bằng) sang Mèo Vạc (Hà Giang) và đoạn từ Hà Giang sang Lai Châu; tuyến kéo dài đường hành lang biên giới từ Leng Su Sin qua Mường Nhé, Nậm Chẩn, Nà Khoa, hướng theo tỉnh lộ 131 về thị xã Mường Chà mới (điểm giao với quốc lộ 12); tuyến vành đai 1-2 nối quốc lộ 4D với quốc lộ 12 qua thị xã Mường Lay (quốc lộ 12), Nạm Mạ, Nậm Béo, Nà Hum, Huổi Ke (quốc lộ 4D); tạo tuyến vành đai phụ nối từ Lào Cai sang Lai Châu tới Điện Biên.

Hệ thống đường nan quạt gồm nâng cấp cải tạo các quốc lộ 18, lA, 3, 2, 70, 6, 12, 18C, 31, 1B, 3B; Xây dựng mới tuyến cao tốc Hà Nội-Việt Trì-Yên Bái-Lào Cai, tuyến quốc lộ 6 kéo dài (từ tỉnh lộ 127 hiện tại nhập với tuyến hành lang biên giới tại Mường Tè, qua Pắc Ma đi cửa khẩu Nậm Là) và tuyến quốc lộ mới (nối quốc lộ 6 với quốc lộ 279 đi cửa khẩu Tây Trang); Sớm xây dựng hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh, đoạn tuyến quốc lộ 3 và tỉnh lộ 230 nối từ thị xã Cao Bằng đi Pắc Bó.

Đường sắt: Nâng cấp cải tạo tuyến Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Lào Cai; xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai và tuyến chạy song song với quốc lộ 4B, nối từ Lạng Sơn sang Quảng Ninh tới cảng Mũi Chùa; nâng cấp mở rộng ga Lạng Sơn, ga Lào Cai thành ga đường sắt đầu mối mang chức năng cấp vùng.

Đường thủy: Xây dựng hoàn chỉnh cảng nước sâu Cái Lân; nâng cấp cải tạo, mở rộng cảng Mũi Chùa; hoàn chỉnh các tuyến giao thông thuỷ trên sông Hồng đoạn Lào Cai - Hà Nội, trên sông Đà đoạn Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội, trên sông Lô đoạn Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ.

Đường hàng không: Xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và các cảng hàng không nội địa tại Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang và Lai Châu.

Các chương trình, dự án đầu tư ưu tiên

Để từng bước thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020 có hiệu quả, trong giai đoạn đầu cần tập trung vào các chương trình, dự án: Bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung đến năm 2010 theo quy hoạch xã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2005; tập trung đầu tư xây dựng phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp nằm trong các hành lang kinh tế, bao gồm các đô thị: Móng Cái, Tiên Yên, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lào Cai; đầu tư phát triển các đô thị gắn với kinh tế cửa khẩu như Chi Ma, Tân Thanh, Thanh Thủy, Tà Lùng, Tây Trang, Ma Lù Thàng, Thu Lũm; đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới theo quy hoạch hệ thống đường vành đai 1, vành đai 2; giải quyết các vấn đề về cấp nước sạch, cấp điện cho dân cư vùng sâu, vùng xa giáp biên giới; đầu tư xây dựng các trung tâm giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề và các chương trình bảo vệ môi trường diện rộng.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt – Trung đến năm 2020, Bộ Xây dựng đã bàn giao hồ sơ cho đại diện 7 tỉnh trong vùng.

Monre

Tin cùng chuyên mục