Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, các chuyên gia cho rằng, để thực hiện tốt các mục tiêu trên, cần triển khai nhiệm vụ “Điều tra, hoàn thiện bản đồ địa chất các lòng sông chính vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ; đánh giá tổng thể tiềm năng cát sỏi và khả năng tàng trữ nước của lòng sông, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội”.
Hồ ngầm chống hạn - “lời giải” cho nhu cầu sử dụng nước
Theo KS. Nguyễn Xuân Lương - Tổng hội Địa chất Việt Nam, nước ta có mạng lưới sông suối dày đặc, với 3.500 sông suối có chiều dài từ 10 km trở lên; có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000 km2. Sông Việt Nam có tài nguyên nước hơn 830 - 840 tỷ m3/ năm, nhưng 71% phụ thuộc nước ngoài và hàng năm chúng ta mới chỉ mới sử dụng được khoảng 30%. Thách thức thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian trở thành nguy cơ đối với đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là miền Trung nước ta.
Trên các con sông, hiện nay đã xây dựng nhiều hồ, đập thủy lợi, nhưng thực tế cho thấy các đập, hồ nổi có một số tồn tại như chiếm diện tích đất rất lớn, mất đất canh tác và rừng. Các đập, hồ chứa này kết hợp với thủy điện thường nằm ở vùng thượng nguồn, xa vùng cần nước ở hạ lưu. Về mùa lũ, khi đã tích đủ nước, các đập thủy điện buộc phải xả nước, trong một vài trường hợp đã gây tai họa cho vùng hạ lưu. Về mùa khô, vùng hạ lưu cần nước chống hạn thì các đập thủy điện thường xả nước hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chống hạn. Phần lòng sông trung, hạ nguồn về mùa lũ dòng chảy rất lớn, trải rộng hết phần lòng sông, nhưng về mùa khô, dòng chảy thu hẹp, chỉ bằng 1/4 - 1/10 dòng chảy mùa lũ, còn lại là đáy sông khô cạn bị hoang hóa, không sử dụng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Nguyên cho rằng, các biện pháp trên chưa đáp ứng được hết nhu cầu về sử dụng nguồn nước, khi gặp hạn nặng, các nguồn nước này đã cạn kiệt, nhất là vùng khô hạn như Nam Trung bộ. Để hạn chế các tồn tại nêu trên, việc đề xuất giải pháp chống hạn bằng các hồ ngầm là hết sức cần thiết.
“Kết quả của Dự án sẽ là cơ sở để khoanh định được các khu vực dọc lòng sông có điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất, địa chất thủy văn thuận lợi, có khả năng tàng trữ nước phù hợp xây dựng các công trình tích trữ nước chống hạn cho vùng hạ lưu, đặc biệt là giải pháp xây dựng công trình (hồ ngầm) ở lòng sông, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, TS. Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh.
“Lợi nhuận kép” từ chống hạn bằng các hồ ngầm
Theo TS. Chu Phượng Chí - Tổng thư ký Hội thủy lợi, các sông ở khu vực miền Trung có sự chênh lệch về mùa lũ và mùa khô và miền Trung là vùng khô hạn nhất so với cả nước. Các hồ thủy lợi hiện nay mới chỉ tích nước đạt trên 60% thiết kế. Do đó, đối với thủy lợi phải tạo ra nhiều nguồn tích trữ nước, cần xây dựng thêm các hồ chứa, lợi ích của xây dựng các hồ ngầm là lợi nhuận kép đảm bảo an ninh nguồn nước, tận thu khoáng sản, du lịch sinh thái và giảm thiểu khai thác cát lậu, phá vỡ môi trường sạt lở bờ sông.
Ngoài ra, lợi nhuận khác là sử dụng diện tích đất ngay trên các lòng sông khô cạn, không phải giải phóng mặt bằng không mất quỹ đất sản xuất, đầu tư xây dựng 1 km nước thuỷ lợi khoảng 5 tỷ đồng.
TS. Chu Phượng Chí cho rằng, kết quả Dự án là cơ sở để phục vụ quy hoạch sử dụng lưu vực sông, quản lý khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước mặt, cân đối giữa mùa khô và mùa mưa, cũng như giữa các vùng miền.
Mặt khác, Dự án còn đưa ra các giải pháp chống hạn, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước cho các vùng khô hạn miền Trung; đồng thời giúp cho việc quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả; góp phần phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Sử dụng tiết kiệm hợp lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông
Bên cạnh việc quản lý, sử dụng hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước, việc quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông cũng hết sức cấp bách. Theo TS. Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, nước ta có tài nguyên cát, sỏi lòng sông rất lớn, nhưng chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ. Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển, nhu cầu cát sỏi phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn. Cát, sỏi lòng sông vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu sử dụng làm vật liệu xây dựng ở nước ta, các nguồn cát sỏi thay thế (cát biển, cát nhân tạo...) còn rất hạn chế. Nhiều địa phương, vùng kinh tế đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt hoặc khan hiếm cát, sỏi, đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, chất lượng công trình xây dựng.
Hơn nữa, cát, sỏi lòng sông được hình thành từ thượng nguồn đến hạ lưu theo lưu vực sông; sự vận động, biến đổi của cát, sỏi lòng sông, khai thác cát, sỏi lòng sông liên quan trực tiếp đến mức độ bền vững của lòng, bờ, bãi sông. Do vậy, quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông không thể tách rời với công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và phải quản lý thống nhất theo lưu vực sông. Cát, sỏi lòng sông là tài nguyên khoáng sản được xếp vào loại không tái tạo, cần được sử dụng hợp lý, có hiệu quả; tiết kiệm. Việc khai thác không hợp lý tài nguyên cát sỏi, không gắn việc khai thác với quản lý lưu vực sông sẽ gây nhiệu hệ lụy như sạt lở bờ sông, ô nhiễm nguồn nước, bồi lấp cửa sông, tai biến trượt lở.
Để thực hiện được các mục tiêu chính là đánh giá tiềm năng tài nguyên cát sỏi lòng sông phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả; đánh giá khả năng tàng trữ nước của các con sông phục vụ phòng chống thiên tai hạn hán, đảm bảo an ninh nguồn nước; đề xuất được các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên cát sỏi, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường địa chất thì việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trên là rất cấp bách, có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tế và cần được ưu tiên thực hiện”.
TS. Nguyễn Tiến Thành -Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và khoáng sản biển