,

Đề xuất 9 loại khoáng sản cần đưa vào dự trữ quốc gia

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam vừa đề xuất 9 loại khoáng sản dự kiến đưa vào dự trữ quốc gia.

 

Danh mục 9 loại khoáng sản này sẽ được đưa vào dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 645/2014/QĐ-TTg về việc phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ tới đây.

Theo đó, Bộ TN&MT đã lựa chọn 75 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 9 loại khoáng sản, trong đó 1 khu vực than năng lượng, 2 khu vực quặng apatit, 1 khu vực quặng cromit, 14 khu vực quặng titan, 22 khu vực quặng bauxit, 7 khu vực quặng sắt-laterit, 10 khu vực đá hoa trắng, 15 khu vực cát trắng và 3 khu vực quặng đất hiếm.

Việc lựa chọn 9 loại khoáng sản này dựa trên cơ sở các tiêu chí cần dự trữ khoáng sản theo quy định của Điều 29 Luật Khoáng sản, Nghị Định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trên cơ sở phân tích hiện trạng tài nguyên khoáng sản và xem xét nhu cầu huy động vào Quy hoạch khoáng sản.

Cụ thể, 9 loại khoáng sản gồm: Khoáng sản than nâu (đồng bằng Sông Hồng), là khoáng sản có tài nguyên lớn, tuy nhiên, hiện nay chưa có công nghệ khai thác hiệu quả, việc khai thác có ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Khoáng sản than nâu (đồng bằng Sông Hồng) nằm trong danh mục đề xuất dự trữ (ảnh minh họa)

Khoáng sản apatit loại II và IV thuộc bể apatit Lào Cai từ cao độ ±0m đến -900m do các thân quặng cắm sâu trong lòng đất, đất đá bao quanh cứng chắc và thường gặp nước ngầm, khi khai thác lộ thiên có hệ số bóc cao hơn so với hệ số bóc cho phép.

Khoáng sản cromit sa khoáng là loại khoáng sản quan trọng, có nhu cầu sử dụng lớn nhưng không có nhiều ở Việt Nam.

Khoáng sản titan, gồm: titan phong hoá có hàm lượng thấp việc khai thác chưa hiệu quả; titan sa khoáng trong tầng cát đỏ có trữ lượng lớn phân bố tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận.

Ngoài ra, còn có khoáng sản bauxit laterit phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, Bình Phước; khoáng sản sắt - laterit phân bố chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk; khoáng sản đá hoa trắng phân bố ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; khoáng sản cát trắng phân bố chủ yếu ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Khoáng sản đất hiếm phân bố ở khu vực Tây Bắc Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai; ngoài ra đối với khu vực đất hiếm Mường Hum (Lào Cai) là khu vực có cường độ phóng xạ lớn, chưa có công nghệ khai thác đảm bảo về môi trường.

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các khoáng sản: titan, bauxit laterit, sắt – laterit, đá hoa trắng, cát trắng, đất hiếm là những loại khoáng sản có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh nguyên liệu khoáng, cần dự trữ lâu dài.

Riêng đối với 1 khoáng sản chì-kẽm đã đưa vào dự trữ tại Quyết định 645, không tiếp tục đưa vào dự trữ khoáng sản do có tài nguyên nhỏ, trong khi nhu cầu hiện nay rất lớn và đã được Bộ Công thương dự kiến bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục