,

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 101/2019/NQ14 về không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước

Việc không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 01/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013, không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 31/8/2017 theo Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Quốc hội thực sự đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, cho các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khoáng sản và tài nguyên nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.

Thực hiện Nghị quyết số 101/2019/QH14 về kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai các nội dung quy định tại khoản 6 Điều 1: “Không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 từ ngày 01/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013; không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 31/8/2017”.

Về nội dung không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Tại Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát toàn bộ các Giấy phép khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép, kết quả, có 269 Quyết định đã phê duyệt số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến 31/12/2013. Theo đó, tại Điều 2 của 269 Quyết định này mặc dù đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhưng tạm thời chưa thu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 723/TTg-KTN ngày 21/5/2014 với tổng số tiền là: 2.156.507.938.000 đồng (trong đó chủ yếu với nhóm khoáng sản là than: 1.705.993.204.000 đồng, chiếm 79,11%; nhóm khoáng sản là đá vôi, đá sét làm xi măng: 194.824.228.000 đồng, chiếm 9,03%).

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ “Không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 từ ngày 01/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013” theo Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Quốc hội, ngày 31/12/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 3102/QĐ-BTNMT, theo đó, tại Điều 1 quy định “Không thu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013 tại Điều 2 các Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường” để gửi tới Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Cục Thuế các địa phương phối hợp thực hiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, Cục Thuế các địa phương đã gửi Thông báo đến từng tổ chức, cá nhân để không thu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013.

Tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 7492/BTNMT-PC ngày 31/12/2020 và 752/BTNMT-ĐCKS ngày 19/02/2021 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Nghị quyết số 101/2019/QH14 về các nội dung: (1) Không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013; (2) Không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 31/8/2017 và báo cáo kết quả thực hiện.

Tại nội dung thứ nhất (liên quan đến lĩnh vực khoáng sản), đã có 56/63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả cụ thể như sau:

Có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Tuyên Quang, Quảng Bình) không triển khai công tác tính và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013.

Có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bắc Giang, Bình Định, Bình Dương, Cần Thơ,  Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Nam Định, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái) đã triển khai công tác tính và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với phần trữ lượng đã khai thác giai đoạn từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013, nhưng tạm thời chưa thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 723/TTg-KTN ngày 21/5/2014 và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1014/ĐCKS-KTĐCKS ngày 09/7/2014.

Có 03 tỉnh đã triển khai công tác tính và phê duyệt ngay từ ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực (ngày 01/7/2011), bao gồm: Lai Châu (05 Quyết định với số tiền phê duyệt là 348.564.660 đồng); Thanh Hóa (191 Quyết định với số tiền phê duyệt là 58.000.679.610 đồng); Cao Bằng (89 Quyết định với số tiền phê duyệt là 7.815.520.640 đồng). Cụ thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã sớm triển khai phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 84 của Luật Khoáng sản là “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân đang thực hiện theo giấy phép khai thác được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khoáng sản chưa khai thác” (mặc dù thời điểm này Chính phủ chưa quy định phương pháp tính cũng như mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản). Đồng thời tiến hành thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP.

Theo báo cáo của các tỉnh trên, thực hiện Nghị quyết số 101/2019/QH14, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã giao cơ quan chức năng thực hiện việc thoái thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. 

Ảnh minh họa

Về nội dung không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 

Theo Báo cáo số 70/BC-BTNMT ngày 31/7/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước không thu từ năm 2013 (từ khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành) đến ngày 01/9/2017 mỗi năm khoảng từ 300 đến 350 tỷ đồng.

Tại Trung ương, từ khi Nghị định 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực (01/9/2017) đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt 703 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tổng số tiền đã phê duyệt khoảng 10,2 nghìn tỷ đồng.

Tóm lại, ở Trung ương không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 01 tháng 9 năm 2017 trở về trước (đã phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 101/2019/QH14).

Tại địa phương, liên quan đến nội dung thứ hai của Công văn số 7492/BTNMT-PC ngày 31/12/2020 và 752/BTNMT-ĐCKS ngày 19/02/2021 (lĩnh vực tài nguyên nước), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được báo cáo kết quả thực hiện của 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả tổng hợp các báo cáo cho thấy cả 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 01/9/2017 trở về trước. Đối với 7 tỉnh chưa gửi báo cáo, bao gồm: Bến Tre, Bình Thuận, Đăk Lăk, Kiên Giang, Long An, Quảng Ngãi và Tiền Giang, qua trao đổi trực tiếp, Ủy ban nhân dân 05/07 tỉnh đều cung cấp thông tin là không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 01/9/2017 trở về trước.

Như vậy, có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 01 tháng 9 năm 2017 trở về trước (đã phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 101/2019/QH14).

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết cho thấy, công tác kinh tế địa chất, khoáng sản và tài nguyên nước đã có những kết quả tích cực. Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước thực hiện bước đầu đã có kết quả nhất định, tăng thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, góp phần đưa quy định mới của Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước vào cuộc sống. Trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước; tăng cường cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm tạo chuyển biến tích cực, minh bạch trong công tác cấp phép; lựa chọn được tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tài chính, công nghệ; góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Việc không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 01/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013, không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 31/8/2017 theo Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Quốc hội thực sự đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, cho các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khoáng sản và tài nguyên nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh, nhất là một số lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch do tác động trực tiếp của dịch bệnh và xu hướng giảm của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục